Vậy đó, tưởng sẽ được yên thân đến cuối đời nhưng rồi ông lại trắng tay, hằng ngày đi cắt cỏ cho bò và... đến tòa kiện tụng!
>> Kỳ 1: Giấc mộng cuộc đời
>> Kỳ 2: Anh chỉ muốn có em!
>> Kỳ 3: Hãy cẩn thận với những gì ta ước!
>> Kỳ 4: Ba lần tự tử
>> Kỳ 5: Tấn trò đời
>> Kỳ 6: Hành trình thành tỉ phú
>> Kỳ 7: Gặp lại “cụ già may mắn”
>> Kỳ 8: Gã mồ côi thành tỉ phú
Quay lại kiếp chăn bò
Về nhà bà L. (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri, Bến Tre), hằng ngày ông chăm chỉ dọn đất trồng cỏ, cho bò ăn uống, làm vệ sinh chuồng, chăm sóc đàn bò hơn 10 con của gia đình. Thấy ông Ẩn siêng năng, bà L. gợi ý mua cho ông một con bò để chăn chung cho có bầu có bạn và mong muốn ông ở lại lâu hơn với gia đình. Ba năm sau, giữa gia đình bà L. và ông nảy sinh xích mích.
Ông bỏ nhà ra đi với độc chiếc quần đùi trên người, xin vào tá túc nhà thờ Giồng Giá ở gần đó. Vì nhà thờ đang xây sửa nên cha đạo đề nghị ông D., một người có uy tín trong đạo, đến nhận ông Ẩn về nuôi dưỡng. Sau đó, ông được ông D. đưa sang nhà bà L. dắt hai con bò mẹ và con về, đòi lại số tiền 118 triệu đồng mà bà L. đang giữ, trừ mấy chục triệu đồng ông chi tiêu khi còn ở nhà bà L.. Bà L. không trả tiền mà chỉ cho dắt bò về.
Thương tình, ông D. nhờ luật sư kiện giúp ông đòi lại số tiền bà L. đang nợ. Qua hai cấp xét xử nữa, vào ngày 29-8-2008 TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên buộc bà L. trả cho ông 118 triệu đồng còn nợ. Trong khi phán quyết của tòa còn chưa được thi hành thì ông Ẩn lại rời nhà ông D. dắt theo con bò sang nhà bà L. tá túc.
"Phải chi hồi đó đừng trúng vé số thì đời tui đâu đến nỗi..." |
||
Ông Võ Văn Ẩn |
||
Bầu bạn giữa đời
Đã hơn 50 tuổi nhưng giờ ông vẫn không có lấy một tờ giấy tùy thân lận lưng cho đường hoàng. Dù đã được người ta cho biết làm giùm giấy KT3, nhưng ông chưa bao giờ nhìn thấy nó. Có một tờ giấy duy nhất chứng minh ông là ai mà mãi đến sau này ông mới được nhìn thấy do người tốt bụng tìm giúp: giấy xác nhận là con cô nhi viện.
Không biết từ lúc nào lòng tin vào con người trong ông ít đi. Ông không phân biệt được người tốt hay người xấu nữa mà đâm ra nghi ngờ tất cả. Khi tiếp xúc với những con vật, ông mới tìm thấy niềm vui. Ông gọi con mèo là “hoàng tử”, chú bò con của ông là “quý tử”, con bò già lớn nhất đàn là “bà Hai”. Mỗi sáng, cứ dắt một con từ chuồng ra máng cho ăn cỏ, ông luôn vỗ vỗ vào cổ, vào má con bò rồi hôn nó như hôn một con thú cưng.
Ông kể những lúc buồn tình đời, tình người, ông hay tâm sự với mấy con bò. Có lần ông thấy “quý tử” chảy nước mắt, ông nghĩ chắc là nó hiểu được những tâm sự của ông. Thấy gia đình người ta đông đủ, nhiều lúc ông tủi thân rồi dập tắt ngay cảm giác tủi đó bằng ý nghĩ mình từ dưới đất chui lên, không cha mẹ.
Chưa bao giờ ông muốn tìm hiểu cha mẹ mình là ai vì biết rằng điều đó vô vọng, ông cũng không oán trách cha mẹ tại sao tạo ra mình rồi lại vứt đi như một thứ rác rưởi. Điều ông còn nung nấu khi tuổi già đang gõ cửa là mong có phép mầu gặp được người lao công đã nhặt ông từ trong thùng rác để cảm ơn.
Đời ông từng có một mối tình từ khi còn làm thuê ở chợ Thị Nghè. Người ta bán nước mía. Ông thương nhưng không biết cách mở lời. Người ta thương ông, đôi lần rủ ông đi uống cà phê để dễ bề tâm sự.
Vốn là người ngờ nghệch, ông kể vô tư: “Tui không uống được cà phê, chỉ biết uống nước đá thôi nên lần nào cũng từ chối”. Hôm tại phiên tòa xét xử buộc ông Ch. trả tiền cho ông, người ta cũng đến, lặng lẽ ngồi ở một góc phòng theo dõi. Giờ người ta đã đi lấy chồng nhưng ông vẫn một lòng thương nhớ. Giờ này hành trình của ông chưa biết đã đến nơi nào. Tâm trạng của ông nhiều khi xấu đến mức là nghi ngờ cả những người từng giúp đỡ hay che chở mình.
Thỉnh thoảng ông gọi điện bất thình lình cho tôi. Số điện thoại ông hiện lên mã vùng ở miền Tây, ở Sài Gòn, vậy mà một mực ông nói mình đang ở Tây nguyên hay miền Trung gì đó. Sau mỗi lần ông gác máy, tôi gọi lại số cũ để hỏi người xung quanh xem tình hình ông thế nào, phần lớn đó là số điện thoại công cộng. Hành trình của người trúng số độc đắc này là một mê cung, nó cứ quẩn quanh trong cõi con người: tốt - xấu đan xen...
Ở chợ Thị Nghè, cô Duệ, tổ trưởng tổ 56, phường 19, vẫn còn cất giữ giùm ông cây sáo trúc mòn vẹt. Cách đây vài năm, trước khi đi Bến Tre sinh sống, ông mang cây sáo trúc đến gửi cho cô và nói: “Nhờ chị cất giùm, nó là tài sản thời tui còn đi xin ăn sau giải phóng. Khi nào nhớ nó thì tui về”. Nhắc đến ông, bà con tiểu thương chợ Thị Nghè hay hỏi nhau: Không biết rồi đây đời ông có trở về lại với cây sáo trúc?
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)