Cún cưng học "ngoại ngữ"

04/08/2010 10:05 GMT+7

(TNO) Hè về, đám cún cưng cũng lon ton “chạy” tới những trường luyện chó để "học tiếng Tây"…

6 triệu đồng/3 tháng

Qua lời giới thiệu của một người nuôi chó có tiếng ở Q.5 (TP.HCM), tôi tìm đến trung tâm huấn luyện chó Trương Minh ở khu Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), một trong những địa chỉ nuôi dạy chó lâu năm nhất của Sài Gòn. Anh Trương Tấn Luật, chủ cơ sở huấn luyện chó Trương Minh, có thâm niên trên 30 năm trong nghề dạy chó cho biết, anh nhận dạy nhiều thứ tiếng khác nhau như Việt, Anh, Pháp, Hoa, Đức… Tuy nhiên, phổ biến nhất là tiếng Anh và tiếng Việt.

Anh vừa nói vừa dắt chú berger tên King đi ra vườn dạo chơi. King đã ở nội trú tại cơ sở của anh Luật được hơn một tháng để học khẩu lệnh bằng tiếng Anh, mặc dù chủ của nó là người Việt. 


  Trước khi dạy King, anh Luật phải mất một tuần để làm quen, chơi đùa với nó

“King! Sit!” (King, ngồi! - PV), vừa nghe khẩu lệnh của anh Luật, chú chó có khuôn mặt “điển trai” liền ngoan ngoãn ngồi bệt xuống, động tác khá dứt khoát mặc dù đang chạy tung tăng trên cỏ. Anh Luật kể: “Con King này đổi mấy thứ tiếng rồi đó. Lúc đầu chủ của nó yêu cầu tôi dạy tiếng Anh, nhưng sau đó bảo đổi sang tiếng Việt vì người giúp việc ở nhà không biết nói tiếng Anh. Tiếp đó, bà khách này lại đòi đổi sang tiếng Anh vì mấy đứa con đều học trường quốc tế, nên chỉ thích nói tiếng Anh với con King thôi. Riết rồi con chó nó muốn rối theo luôn!”.

Tại cơ sở Trương Minh, để cún cưng của mình được tham gia  khóa huấn luyện 3 tháng, khách hàng phải trả mức học phí là 6 triệu đồng. 

Chủ cũng phải luyện ngoại ngữ

Hiện tại có khá nhiều người Việt chỉ yêu cầu các trung tâm dạy chó của mình ngoại ngữ, chứ không dạy tiếng Việt. Nguyên nhân là do có người chỉ muốn một mình họ mới có quyền ra lệnh cho chó để tránh bị bắt trộm.

Có người thì muốn tặng chó cho bạn bè, người quen là người nước ngoài. Cũng có khách muốn dạy chó ngoại ngữ để được bằng anh bằng chị, nhưng khi đem về lại không biết ra khẩu lệnh chuẩn, nên xảy ra sự cố chó không nghe chủ, hậu quả là phải đem chó ra trung tâm khác để “hiệu chỉnh” lại. “Chỉnh sửa khẩu lệnh cho chó còn khó gấp mấy lần dạy chó từ đầu”, anh Luật nói xong quay sang con King hô to: “Shake hand” (bắt tay - PV). Ngay lập tức, anh chàng King đưa hai chân trước lên bắt tay anh Luật, rất thuần thục.


Anh Luật chỉ vào vết chó cắn nhớ đời trong 30 năm theo nghề huấn luyện chó

Để một chú chó phục tùng mệnh lệnh bằng ngoại ngữ, trung bình người huấn luyện phải mất khoảng gần 3 tháng cho mức độ sơ cấp. Nếu tăng trình độ lên trung cấp, chú cún phải mất thêm 3 tháng học ở trung tâm nữa. Sau khóa huấn luyện, chó sẽ thạo việc bảo vệ chủ, nhà cửa, xí nghiệp…

Trước khi mãn khóa, anh Luật thường yêu cầu khách hàng tới trung tâm để anh chỉ dẫn cách phát âm khẩu lệnh bằng ngoại ngữ và ra hiệu cho chính xác.

Thế là vào mỗi dịp cuối khóa, cả chủ lẫn chó cùng luyện ngoại ngữ với nhau trong suốt mấy ngày liền. Có như thế, người huấn luyện mới có thể trao “bằng tốt nghiệp” cho cún cưng được.

Anh Luật cũng khuyến cáo rằng, khi con chó được khoảng 5-6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để người nuôi đem chó đi huấn luyện, nếu để chó già quá thì khả năng tiếp thu đã hạn chế phần nào, gây khó khăn cho người huấn luyện.


 Theo anh Luật, chó khoảng 5-6 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để đến "trường học"

Chó cũng phải thi đầu vào

Các cơ sở dạy chó uy tín đều tổ chức kiểm tra sức khỏe đầu vào cho chó trước khi nhận huấn luyện, nhằm tránh các rủi ro như bệnh trong quá trình tập luyện. "Nếu các "học viên" không đảm bảo sức khỏe thì chúng tôi phải yêu cầu khách hàng đem chó đi chữa trị rồi mới nhận", anh Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm huấn luyện Biên phòng Dog cho biết.

Đối với các cơ sở nuôi dạy chó theo phong cách "nhà binh" như trung tâm Biên phòng Dog, thì không phải chú cún nào cũng kham nổi hết các bài tập đòi hỏi kỹ năng cao. Đó thật sự là "học kỳ" dành cho các học viên "gâu gâu".

Những lúc trái gió trở trời, các huấn luyện viên phải kiêm luôn vai trò bảo mẫu chăm sóc và điều trị cho những "cô, cậu" học trò đặc biệt của mình.


 Thầy và "trò" trong một buổi tập tại Trung tâm huấn luyện Biên phòng Dog

"Mùa này hay mưa, nên chúng tôi phải tăng cường dạy ca đêm cho các chú cún để kịp tiến độ huấn luyện và phòng tránh việc nhiễm bệnh cho chó. Hơn nữa, nếu "văn ôn võ luyện" không đều đặn thì chúng dễ bị ì lắm", anh Phong nói.

Hiện nay trung tâm huấn luyện chó mọc lên ngày càng nhiều, song lại có chất lượng không đồng đều. “Có không ít khách xót của vì sau khi gửi chó nội trú trong vài tháng tại trung tâm nuôi dạy, “cục cưng” ngày nào của họ ốm tong teo như thiếu dinh dưỡng và nhút nhát hẳn. Nguyên nhân là do trung tâm dạy sai phương pháp”, ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch Hội Cá cảnh TP.HCM, người từng được coi là nhân vật nuôi chó số 1 của Sài Gòn, cho biết.


 Hiện nay nhiều bạn trẻ đem chó huấn luyện để tham gia các Dog Show đang được tổ chức ngày càng nhiều

Nói về khả năng thu nhận khẩu lệnh của mỗi chú chó, anh Phạm Doãn Hà, phụ trách huấn luyện chung của GSD - Câu lạc bộ chó berger Việt Nam nhận định: “Theo tôi, mỗi chú chó có khả năng tiếp thu trên 200 khẩu lệnh, và gần như không hạn chế về loại ngoại ngữ”. Anh Hà cũng đang nuôi một chú chó berger khá “bảnh trai”. Khi dẫn chó tham gia các cuộc thi, anh ra khẩu lệnh bằng tiếng Đức, nhưng những lúc chơi với cún cưng của mình ở nhà, anh chỉ dùng tiếng Việt, và chú chó vẫn rất nghe lời.

Bài và ảnh: Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.