Quá nửa lớp trường làng đỗ đại học

04/08/2010 10:55 GMT+7

Khi nói về lớp học 12A3 Trường THPT Ứng Hoà B (huyện Ứng Hoà - Hà Nội), cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Vân Oanh không giấu nổi tự hào: chỉ tính đến thời điểm cuối tháng 7, khi các trường chưa thông báo điểm hết, thì đã có gần 30/53 em đỗ đại học theo nguyện vọng 1.

Đặc biệt, lớp 12A3 có đến 2 em cùng đỗ thủ khoa: Phạm Văn Khánh (29,5 điểm) ĐH Bách khoa HN và Lê Thị Minh Vượng (29 điểm) ĐH Y Hà Nội và ĐH Ngoại thương HN. Cả hai đều là con nhà nông dân có hoàn cảnh khó khăn.

Quê nghèo hiếu học

Nhớ lại thời điểm cách đây 3 năm, khi mới tốt nghiệp khoa Toán Trường ĐH Sư phạm HN về chính ngôi trường mình đã học để nhận công tác, cô giáo Lê Thị Vân Oanh vẫn không khỏi băn khoăn lo lắng. “Được công tác ở ngôi trường mình đã học, toàn các thầy - cô quen còn gì bằng, nhưng tôi cảm thấy áp lực đè nặng khi được giao làm chủ nhiệm lớp 12A3” - cô Oanh tâm sự. Lớp chọn nghe qua chừng có vẻ gì đó khác biệt, nhưng ở ngôi trường làng này chỉ là các em có sức học nhỉnh hơn đôi chút. Chương trình học thêm dành cho cả khối cũng có, tập trung cho mấy môn thi ĐH, nhưng mỗi môn tuần học một buổi 2 tiếng.

Góc học tập của thủ khoa Phạm Văn Khánh

Vấn đề mấu chốt, theo cô giáo Oanh đó là từ ý thức ham học của các em, đua nhau học. Cũng là lớp chọn, nhưng những khoá học trước tỉ lệ đỗ đại học của 12A3 không có gì nổi trội lắm. Sang đến năm 2010, cái tên 12A3 nổi bật hẳn trong phong trào học tập của Trường THPT Ứng Hoà B. Về vùng quê nghèo này trò chuyện với những người nông dân quanh năm lam lũ, ai cũng bảo, vùng đất thuần nông, lại là rốn trũng của huyện Ứng Hoà “chiêm khê, mùa thối”. Người già, người trẻ thi nhau kể về những năm mưa nhiều, cả cánh đồng mênh mông ngập trắng trong nước, mùa vụ tiêu điều. Con đường tìm cách thoát nghèo, họ chỉ còn biết khuyên con em mình cố gắng học. Vì thế phong trào học tập ở đây cứ lan rộng từ khu chợ Cháy đến Minh Đức, Trầm Lộng... Các bậc phụ huynh đi họp được nghe thầy Hiệu trưởng Bùi Kim Trọng thông báo: Hằng năm, trường có trên 100 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng...

Cô giáo Oanh cũng nhẩm tính, ở lớp học 12A3 của cô, trong 53 em có đến hơn 20 em thuộc diện gia đình hoàn cảnh nghèo khó, nhưng không vì thế mà các em tự ti, chểnh mảng sự học. Ước tính tại kỳ thi ĐH vừa qua, có đến hơn 2/3 trong số các em đó đã đỗ đại học theo nguyện vọng 1.

Chuyện 2 tân thủ khoa đi thi

Chúng tôi tìm về nhà em Phạm Văn Khánh - ở thôn An Cư, xã Trầm Lộng. Con đường đất gồ ghề dẫn vào ngôi làng nhỏ dài hơn 3km, hơn 2 giờ chiều nhưng đường sá, đồng ruộng vắng ngắt, có lẽ người dân đang phải chạy chốn cái nắng nóng gay gắt đang đổ xuống. Thế nhưng vừa đến đầu ngõ nhà Khánh đã gặp chị Nguyễn Thị Xíu - mẹ em đang chuẩn bị lao ra đồng sau bữa cơm trưa muộn.

Ngồi trong căn nhà ngói tuềnh toàng chừng hơn 20m2 đã nhuốm màu rêu phong, chị Xíu ngồi nói chuyện nhưng không sao giấu được tâm trạng đang đan xen lẫn lộn trong lòng.  Chị kể: “Đi ra chợ, ra đồng, ai họ gặp cũng chúc mừng, con trai đỗ thủ khoa phải ăn mừng thôi. Nhà chị là nhất đấy, nghèo nhưng hai đứa con đều ngoan ngoãn, học giỏi”. Đáp lại bà con bằng cái cười vội, khi trở về nhà chị lại rối bời tâm trạng. “Con thi đỗ đại học mừng rồi, nhưng trăn trở lắm chú ơi. Có ai như tôi dẫn con lên HN thi, vừa mong cho con đỗ, lại lo đỗ rồi tiền đâu cho ăn học”. 

Đàn gà này là tài sản lớn của gia đình Vượng, nó sẽ theo chân em vào đợt tựu trường này.

Chị Xíu lại kể: “Hôm đưa Khánh lên thi ĐH Bách khoa HN, tôi làm thuê góp được mấy trăm nghìn. Hai mẹ con không dám lên sớm sợ tốn, khi đi còn mang theo 4kg gạo và nửa lọ ruốc với hy vọng lên HN nhờ được chỗ người quen. Hai mẹ con đi xe hết 40.000 đồng, đến cổng Trường Đại học Bách khoa, được sinh viên tình nguyện chỉ dẫn vào ở KTX giá rẻ. Tuy nhiên, chỗ trọ không cho phép nấu nướng, nên mẹ con chị phải ra ăn căngtin. Hai mẹ con mỗi bữa chỉ dám đặt một suất cơm tại ký túc xá của trường với giá 12.000 đồng, còn lại thì ăn mì tôm. Tôi chỉ dám ăn mì tôm thay cơm, Khánh thương mẹ quá nên chỉ ăn nửa suất, còn nửa suất dành cho mẹ...” - chị Xíu nói.

Không lo làm sao được, khi chỉ mấy ngày trên đất kinh kỳ mẹ con bà đã phải chật vật, nay sắp đến ngày Khánh tựu trường, lòng người mẹ này càng thêm rối bời. Không phải bây giờ gánh nặng gia đình mới đè nặng lên đôi vai người phụ nữ 42 tuổi này. Chồng chị - anh Phạm Văn Kha (44 tuổi) - bị bệnh  nhiều năm nay, không làm được việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà, lại còn phải lo thuốc thang. “Nhà tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng, trước cũng chăn nuôi nhưng hết dịch cúm gia cầm, lại đến dịch tai xanh nên giờ không dám làm. Ngoài làm ruộng, tôi chỉ biết đi làm thuê, ai thuê việc gì làm việc đó” - chị Xíu bảo.

Sự vất vả dường như cứ nối tiếp với người phụ nữ này, những năm con còn nhỏ, chồng bệnh nặng, gánh nặng gia đình chị dồn hết cho chồng. Khi chồng đỡ bệnh, con cái lớn, đôi vai chị lại thay gánh nặng khác. Chị của Khánh là Đào thi đỗ ĐH Ngoại thương, hiện đang là sinh viên năm thứ ba, giờ tới lượt Khánh. “Trước một mình em Đào đi học, tôi đã phải chạy vạy giật gấu vá vai cũng không lo hết được, nên ngoài giờ học Đào phải đi làm thêm. Hai năm nay kỳ nghỉ hè mà em chỉ dám về thăm nhà có mấy ngày, rồi lại tất tả lên Hà Nội đi làm” - chị Xíu nói.

Giống như Khánh, Lê Thị Minh Vượng - ở thôn Tu Lễ, xã Kim Đường - cũng ở vào hoàn cảnh khó khăn. Gia đình chỉ làm ruộng, lại đông con (5 chị em), nhiều năm liền đều được liệt vào danh sách hộ nghèo nhận tiền hỗ trợ. Ông Lê Văn Đại - bố em Vượng - vừa rời đồng ruộng lên Thanh Trì - HN làm bảo vệ cho một xưởng cơ khí, nhưng nhiều ngày nay lại phải về nghỉ điều trị vết thương sau một tai nạn hy hữu. Ông Đại cho biết, khi làm hồ sơ dự thi ông chỉ muốn cho con thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Với sự hiểu biết của người đàn ông quanh năm lam lũ này, nếu thi được vào trường sư phạm, học sẽ không phải đóng học phí, đỡ đi gánh nặng cho quá trình học tập. Mẹ em thì muốn con thi vào CĐ sư phạm gần nhà, nhưng các thầy - cô giáo lại khuyên, với khả năng học của mình thì Vượng nên thi vào trường “top ten” cho đúng sức. Trước đây lên cấp 3, ai cũng khuyên thi lên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ ở Hà Đông để học, nhưng vì nhà nghèo, cô bé này đành gắn bó với ngôi trường làng.

Vượng kể, lúc đầu em chỉ định thi khối A vào ĐH Ngoại thương. Không kể thời gian ôn thi ĐH, những năm cấp 3 do nhà đông chị em, công việc nhà nông bận bịu, cô bé này vừa phải lo giúp việc đồng áng, việc nhà và bế cu em hiện mới được 3 tuổi. Hôm đi thi, mẹ Vượng chỉ gom được 300.000 đồng cho con lai kinh, ứng thí. Nhưng cô trò nghèo vẫn âm thầm nuôi khát vọng trở thành bác sĩ, nên đã tự vay thêm tiền người thân, để dự thi tiếp vào ĐH Y. Kết quả, Vượng đạt 29 điểm cả ĐH Y và ĐH Ngoại thương, trở thành tân thủ khoa của ĐH Y Hà Nội.

Chặng đường còn rất gian nan

Góc học tập của 2 thủ khoa, chỉ là chiếc bàn nhỏ ọp ẹp kê chung trong gian buồng để đồ đạc, xoong nồi, gạo thóc, quần áo của cả nhà. Chẳng có nhiều sách vở xếp chồng chất, nhưng ở đó một thành tích chói sáng của cô, cậu học trò trường làng. Với Khánh năm lớp 6 đã đoạt giải khuyến khích tiếng Anh, lớp 9 cũng đoạt giải đó với môn vật lý cấp huyện. Đến năm lớp 12 giải nhì môn toán cấp thành phố và giải khuyến khích cấp quốc gia. Với Minh Vượng thì em đã gặt hái giải nhì toán lớp 5 cấp tỉnh, giải khuyến khích hoá lớp 12 cấp thành phố. Và cả 2 đều là học sinh giỏi 12 năm liền.

Nhưng khi nói về việc chuẩn bị cho ngày tựu trường, đôi bạn đỗ thủ khoa cùng chung lớp học, chung hoàn cảnh lại bối rối. Các em hỏi đỗ thủ khoa có được học bổng không, vì nhà các em nghèo không có tiền ăn học. Khi biết phải tiếp tục học giỏi mới có học bổng, hai em quả quyết: “Noi gương các anh chị, lên HN ổn định rồi chúng em sẽ đi làm thêm để lấy tiền ăn học”. Đó chỉ là điểm tựa cho chặng đường dài gian khó trước mắt. Với cuộc sống đô thị, các em cũng chỉ như cánh chim non chập chững bay giữa dông tố cuộc đời. Nhưng hy vọng với truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta, các em sẽ có được những bàn tay nâng đỡ để biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.