Chốn đọc sách thời hiện đại
Đã có sự biến đổi dữ dội về thói quen đọc sách tại các đô thị lớn. Các thư viện, “thiên đàng” của những người yêu sách cách nay trên chục năm, giờ vắng dần người đọc sách. Tiêu biểu như TPHCM, trung tâm đô thị lớn của cả nước, đến nay cũng chỉ còn mỗi Thư viện Khoa học Tổng hợp TP còn có thể coi là nơi đọc sách tương đối lý tưởng. Những thư viện lớn khác, như Thư viện Khoa học Xã hội chủ yếu dành cho người nghiên cứu, các thư viện quận - huyện do hạn chế về cơ sở vật chất hạ tầng nên chỉ còn thu hút thiếu nhi hoặc một số người hưu trí đến xem truyện tranh hay đọc báo.
Ngay cả Thư viện Khoa học Tổng hợp TP cũng không thể xem là nơi đọc sách thực sự hấp dẫn mọi người. Có một không gian khép kín, thư viện này thật tuyệt vời với những ai muốn tìm kiếm sự tĩnh lặng để tập trung hoàn toàn vào công việc nào đó, như nghiên cứu hay học tập… Thế nhưng, để phù hợp với nhu cầu của những người chỉ có thể dành một khoảng thời gian ngắn trong ngày để đọc sách, thư viện kiểu cổ điển quả là khó đáp ứng.
Ở các quán cà phê, ban đầu vốn ồn ào, chật chội, xô bồ, hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu một nơi đọc sách. Thế nhưng, đến nay các quán cà phê cũng có sự thay đổi phù hợp với những đối tượng có nhu cầu đọc sách. Đó là, bên cạnh những quán cà phê vỉa hè, cà phê gia đình, bắt đầu xuất hiện cả những quán cà phê hiện đại với sự bài trí tạo được sự thoải mái, thư giãn cho khách, các trang thiết bị hỗ trợ hiện đại dần xuất hiện như truyền hình cáp, mạng internet… Người ta tới quán không chỉ giải khát mà còn để bàn bạc công việc, rồi sau đó là nơi làm việc, và thời gian gần đây bắt đầu còn là nơi thưởng thức sách. Văn hóa đọc bắt đầu xuất hiện khái niệm mới: Cà phê sách!
Cà phê sách - đi tiếp đường nào?
Quán cà phê sách chính thức đầu tiên tại TPHCM là CIAO trên đường Ngô Đức Kế (quận 1). Từ đó đến nay, toàn TP đã có gần 20 quán cà phê sử dụng sách làm thương hiệu chính thức quán của mình. Về hình thức có thể chia làm hai loại, loại đầu lấy cà phê là chính, sách chỉ phụ thêm như các quán Book Café, Café Sách Đom Đóm, Café Sách - Snownbell… Loại thứ hai ngược lại, lấy sách làm chính, cà phê phụ thêm, nổi bật trong số các quán dạng này là chuỗi cà phê sách của Nhà sách Phương Nam hay Cà phê sách Hub (18A Cộng Hòa, quận Tân Bình).
Điểm đặc trưng khác biệt nhất giữa hai loại quán cà phê sách kể trên nằm ở số lượng sách báo và hoạt động liên quan đến sách. Cụm quán cà phê sách của Phương Nam, vốn là một phần trong hệ thống Nhà sách Phương Nam, nên luôn có lượng sách phong phú và đa dạng. Hub café tuy không phải là nhà sách, nhưng do chủ trương tập trung vào sách từ đầu, nên lượng sách ở quán này hiện có thể xem là nhiều nhất trong số các quán cà phê sách với con số lên trên 10.000 đầu sách các loại. Ngoài ra, tại các địa điểm trên luôn tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến sách như giao lưu tác giả, tọa đàm về tác phẩm, bình luận tác giả, tác phẩm mới…
Tuy nhiên, dù chiếm ưu thế về sách, về cách tổ chức thiên hẳn về văn hóa đọc, các quán cà phê sách chuyên về sách cũng không hoàn toàn chiếm ưu thế với bạn đọc so với các quán mà sách chỉ là phụ. Đây chính là đặc trưng của văn hóa cà phê tại TP hiện nay, khách đến quán cà phê không chỉ đơn thuần thưởng thức nước uống mà còn để giải quyết nhiều vấn đề khác như làm việc, giao lưu với bạn bè, đối tác, thư giãn… trong đó có đọc sách.
Như đã nói ở trên, ngoài đọc sách trong nhà, để tìm một nơi đọc sách công cộng giữa những giờ nghỉ khi đi làm tại TP đã không còn là chuyện dễ dàng, cà phê sách trở thành một điểm đến lý tưởng. Bạn đọc không hẳn cần đến sách có sẵn vì phần lớn đều đem theo sách của mình, cái họ cần là một địa điểm thoải mái, yên tĩnh nhưng không quá tách biệt với bên ngoài, để khi cần có thể quay lại công việc một cách nhanh chóng nhất.
Cuộc sống đô thị dẫn đến những thay đổi về thói quen trong đó có thói quen đọc sách. Cà phê sách chính là một sự kết hợp đẹp giữa văn hóa đọc và văn hóa cà phê thư giãn. Cả hai góp phần đem lại một hình ảnh văn minh, hiện đại, thể hiện nét văn hóa riêng.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)