Để không lãng phí tài năng

05/08/2010 02:57 GMT+7

Chưa có một lộ trình đúng với mục đích đặt ra là bồi dưỡng nhân tài, nên học sinh (HS) trường chuyên không có điều kiện phát huy hết tài năng.

Có “ươm mầm” nhưng chưa “kết trái”

Việt Nam không thiếu nhân tài nhưng những tài năng ấy chưa có đủ điều kiện để phát triển xa hơn sau khi giành giải thưởng quốc tế, rời trường chuyên bậc THPT. Chỉ trên lĩnh vực Toán học, thế giới đã từng biết đến một Lê Tự Quốc Thắng, Lê Bá Khánh Trình, Ngô Bảo Châu..., những học sinh trường chuyên đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế. Những hạt giống này, được phát hiện nhưng lại không có một lộ trình để họ phát huy hết tài năng nên không nhiều người trong số họ về sau trở thành nhà toán học được thế giới biết đến, ngoài Ngô Bảo Châu. 

Các chương trình cử nhân, kỹ sư tài năng

Nhiều năm qua, 2 ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM có chương trình cử nhân, kỹ sư tài năng với mục đích đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Sinh viên theo học chương trình này được nhiều ưu đãi như được cấp học bổng, hỗ trợ kinh phí học ngoại ngữ, được đào tạo theo chương trình tiên tiến với lực lượng cán bộ có trình độ cao, chuyên gia nước ngoài... Tuy nhiên, đây không phải chương trình dành riêng cho những HS tài năng từ các trường/lớp chuyên bậc THPT. Tất nhiên nếu là HS chuyên thì sẽ có nhiều cơ hội được lựa chọn nhưng những chương trình này mở ra cho tất cả mọi HS đáp ứng đủ điều kiện. Rõ ràng, ở đây không có sự khác biệt quá lớn giữa một HS chuyên, theo học chương trình nặng nề, vất vả, mất nhiều thời gian với một HS khá-giỏi ở trường thường chỉ chú tâm thi đậu ĐH.

Theo đề án phát triển hệ thống trường chuyên của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020 có 70% HS tốt nghiệp THPT chuyên được đào tạo trình độ ĐH chất lượng cao tại các trường ĐH chất lượng cao trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng trường PT Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Hệ thống trường chuyên có mục đích đào tạo rất rõ ràng. Đó là nơi phát hiện và bồi dưỡng nhân tài”. Nhưng vì không có sự tiếp nối đặc biệt sau phổ thông nên những hạt giống này chưa được kết trái. Đây chính là lý do khiến ông Nguyễn Bác Dụng - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM có ý kiến: “Cần phải có định hướng chiến lược phát triển mô hình chuyên vững mạnh, có quy trình đào tạo bài bản để tiếp nhận và tiếp tục bồi dưỡng nhân tài chứ nếu không thì lãng phí ghê gớm lắm”.

Liên thông đại học

Ông Nguyễn Thanh Hùng nêu thực trạng: “Hệ thống trường chuyên không có khác biệt nhiều với trường thường. Nếu học giỏi, có năng lực thì tất cả HS dù chuyên hay thường đều được chọn vào đội tuyển HS giỏi. Khi kết thúc bậc THPT, tất cả HS đều phải tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ như nhau... Từ đó cho thấy, HS chuyên phải đầu tư thời gian để học chuyên sâu nhưng đến hết THPT thì bị chặn lại mà không có quy trình đào tạo kế tiếp. Xét góc độ này có thể thấy việc đào tạo chuyên trở nên lãng phí. Để giải quyết tình trạng này, nên có sự liên thông ở bậc ĐH để sau khi tốt nghiệp THPT, HS chuyên tiếp tục theo đuổi chương trình này ở mức độ chuyên sâu hơn nữa”.

Cùng quan niệm này, ông Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM cho biết: “Nội dung giảng dạy môn chuyên rất nặng nề, HS theo học khá vất vả, mất thời gian nhưng chúng ta chẳng có chế độ nào đặc biệt cho HS năng khiếu. Các em vẫn phải học theo trình tự của một HS bình thường từ dưới lên đến ĐH”.

Từ đó, ông Dũng đề nghị: “Các HS này phải có chế độ học tập đặc biệt, liên thông với ĐH, có thể học nhanh các kiến thức và sớm nghiên cứu khoa học”. Ông Nguyễn Bác Dụng cụ thể hơn: “Có thể được thì các trường ĐH đào tạo theo tín chỉ cho phép các HS chuyên được theo học ngay từ khi còn ở bậc phổ thông. Như vậy các em vừa không mai một kiến thức mà lại được khuyến khích tinh thần học tập, rút ngắn thời gian học ĐH”.

Tuệ Nguyễn - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.