Giá tiêu dùng sau 7 tháng tăng 4,84%, trong đó tăng thấp trong 4 tháng liền, đặc biệt là tháng 7. Thông thường từ tháng 7 đến tháng 9 là “mùa” hạ giá của các cửa hàng; năm nay lại có những yếu tố làm giảm áp lực tăng giá. Tính bình quân 5 tháng còn lại có thể chỉ tăng khoảng 0,6%/tháng, trong đó từ tháng 8 đến tháng 10 có thể chỉ tăng khoảng một nửa mức đó.
Giá vàng trong nước sau 7 tháng tăng 2,46%, thấp chỉ bằng một nửa tốc độ tăng giá tiêu dùng. Giá vàng hiện tuy có cao hơn một chút so với tuần trước (nhưng vẫn còn thấp hơn mức trên 28,3 triệu đồng trước đây và đang cao hơn giá vàng thế giới). Giá vàng thế giới cũng đã giảm nhiều so với đỉnh điểm và theo dự đoán sẽ còn giảm. Giá vàng trong nước sẽ còn giảm theo với mức nhiều hơn, có thể xuống dưới mức 27,5 triệu, thậm chí có thể dưới 27 triệu đồng/lượng!
Giá USD sau 7 tháng tăng 0,79% - thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá vàng và còn thấp hơn nữa so với tốc độ tăng giá tiêu dùng. Nhưng, với mục tiêu cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối; do nhập siêu tháng 7 tăng lên; do các khoản vay ngoại tệ thời gian qua cao sắp đến thời kỳ hoàn trả; do tâm lý găm giữ ngoại tệ và tình trạng đô la hóa còn lớn… nên việc ổn định tỷ giá là mục tiêu không dễ dàng. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá USD ở trong nước năm nay gần như chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 10,7% của năm trước, có thể còn thấp hơn tốc độ tăng 6,31% của năm 2008.
Giá nhà ở và vật liệu xây dựng (bộ phận quan trọng của giá bất động sản), sau 7 tháng tăng 8,6%, nếu tính bình quân năm (mặt bằng giá) tăng 15,3% - đều là những con số cao gấp đôi tốc độ tăng giá tiêu dùng. Thị trường bất động sản sau khi tăng mạnh cách đây mấy tháng, nhưng thời gian gần đây đã giảm xuống dù mức giá rất cao. Trong năm nay, giá khó tăng đột biến.
Giá chứng khoán không những “lình xình” mà còn về dưới “mo”. Chứng khoán thế giới tăng, các yếu tố vĩ mô ở trong nước được cải thiện, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết khả quan… thì sự lình xình của chứng khoán là rất khó lý giải và việc dự đoán không còn được lạc quan như trước, thậm chí còn có sự bi quan, do nhiều yếu tố. Cung chứng khoán tăng khá cao, khá nhiều, giống như “chợ” đã đầy hàng còn đang ế ẩm, giá thấp nhưng lượng hàng vẫn ùn ùn vào chợ. Giá trị giao dịch thấp, một phần do lượng tiền mới vào thị trường ít đi, một phần do đang nằm im ở tài khoản, một phần có thể được rút ra để đầu tư vào các “kênh” khác. Đã xuất hiện tâm lý mất kiên nhẫn, chán nản của các NĐT trên thị
trường. Sự hoạt động của “cá mập”, “đội lái” khá mạnh, có tin đồn còn có sự liên kết với người của công ty niêm yết, của công ty chứng khoán… Tuy nhiên, người viết vẫn cho rằng VN-Index cả năm sẽ vượt qua mốc 550 điểm.
Lãi suất tiết kiệm tính sau 7 tháng đạt khoảng 6,3%, cao hơn tốc độ tăng giá trên hầu hết các “kênh” đầu tư khác (trừ bất động sản); lãi suất thực tính ra so với tốc độ tăng giá tiêu dùng 7 tháng đã cao hơn gần 1,5%. Những NĐT thì gửi tiết kiệm chủ yếu chỉ có tính chất “tạm trú” để chờ cơ hội đầu tư vào các kênh có tỷ lệ lãi cao hơn. Những người để dành theo kiểu “tích cốc phòng cơ” thì gửi tiết kiệm vừa an tâm, vừa có lãi thực dương (dù giá tiêu dùng cuối năm có tăng lên, lãi suất tiết kiệm có giảm xuống thì cả năm lãi suất thực vẫn có thể đạt trên 2%).
Ngọc Minh
Bình luận (0)