Người khiếm thị thiếu lối đi

07/08/2010 12:05 GMT+7

Vì phải mưu sinh, hằng ngày, trên địa bàn TPHCM có nhiều người khuyết tật, nhất là những người khiếm thị, phải trầy chân, mẻ trán do tình trạng đường không vỉa hè hoặc vỉa hè bị lấn chiếm.


Hàng quán, xe máy lấn vỉa hè Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 khiến những người mù đi bán vé số như Nhi càng nguy hiểm

Trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 - TPHCM, hằng ngày có một cô gái khiếm thị dùng gậy nhôm gõ nhịp trên vỉa hè dò đường đi bán vé số. Đi được vài bước, chiếc gậy nhôm của cô lại vang lên khô khốc vì chạm vào những chiếc xe máy dựng ngang dọc trước hàng quán trên vỉa hè. Vừa lách qua chướng ngại vật, cô lại chùn chân, rúm người khi nghe tiếng xe máy rú lên, tiến thẳng về phía mình.

Nạn nhân số 1
 
Cô gái trên là Nguyễn Thị Nhi, ngụ tỉnh Bình Dương, hiện trọ ở quận 5- TPHCM. “Không biết bao lần xe máy đang chạy dưới đường bỗng thót lên vỉa hè quệt em té ngã, trầy cả chân tay. Nhưng vì cuộc sống, em không thể bỏ nghề bán vé số dạo”- Nhi nói. Thật khó tưởng tượng một cô gái mù như Nhi trong một ngày có thể dò dẫm đi từ quận 5 tới quận 1, có khi vòng qua quận Bình Thạnh rồi lên quận Tân Bình để bán từng tờ vé số. Trong hành trình không ánh mặt trời ấy, hết vấp ống pô xe máy, Nhi lại va phải bàn ghế hàng quán, xe nước đẩy bày bán ở các vỉa hè. 

“Tôi vẫn còn đôi chân khỏe nên không thể ở nhà nhìn vợ con bữa đói bữa no”- không chỉ nuôi bản thân, ông Nguyễn Anh Tuấn (53 tuổi, ngụ quận Thủ Đức – TPHCM) còn muốn hoàn thành nghĩa vụ của người cha - người chồng. Theo bước chân anh trong một ngày mưu sinh, tôi mới hiểu được chính người khiếm thị là nạn nhân số 1 của tình trạng đường không vỉa hè. Từ Quốc lộ 13, anh Tuấn rẽ vào cung đường nguy hiểm nhất trong hành trình bán vé số là đường Kha Vạn Cân. Đường này hẹp, xe cộ phóng vun vút nhưng lại không có vỉa hè cho người đi bộ. Với chiếc gậy gỗ, anh rà theo mép đường để đi. Vừa tránh chỗ ngập nước, anh bỗng va đầu vào cột điện. Cơn đau đầu vừa bớt thì anh lại đau nhói ở chân vì vấp phải một cục gạch ai đó vứt trên lề đường.


Nhiều lần anh Tuấn u đầu vì tông vào những trụ điện trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức


Đừng trói chân... người mù!
 
Không chỉ trầy chân, sứt trán, ông Nguyễn Đình Kiên, Phó Chủ tịch Hội Người mù TPHCM, cho biết nhiều người mù đã phải bỏ mạng trên chặng đường mưu sinh. Ngay bản thân ông Kiên cũng là một người khiếm thị nên không ít lần ông ra đường mà tưởng như đi vào cửa tử. “Một lần nắp cống sát vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám mở ra nhưng không ai đậy lại, tôi đi vào bị sụp một chân xuống cống. Chúng tôi rất thèm đi lại, rất muốn tự lập, tự nuôi sống mình. Tuy nhiên, những gì diễn ra trên đường phố đang đẩy chúng tôi đến chỗ nguy hiểm”- ông Kiên bức xúc.
 
Hiện phần lớn những người khiếm thị đều được học qua một khóa định hướng đi đường. Có 3 cách dùng gậy để dò đường đi trên phố: đi dưới lòng đường - men theo sát mép vỉa hè; đi trên vỉa hè sát mép nhà dân hoặc đi giữa vỉa hè. Song, với tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, bừa bộn như hiện nay thì phần lớn người khiếm thị buộc phải đi theo cách thứ nhất, cũng là cách nguy hiểm nhất vì “vách ngăn” giữa họ  và dòng xe cộ gần như không có.
 
Hiện cả nước có khoảng 1 triệu người khiếm thị, riêng TPHCM có hơn 4.000 người. “Chúng tôi mong TP xây thêm vỉa hè và tạo sự thông thoáng lề đường. Hệ thống đèn giao thông nên trang bị âm thanh khi chuyển đổi tín hiệu để người khiếm thị có thể biết. Hãy thông cảm với những thiệt thòi của họ. Họ đã mất đôi mắt, đừng để họ phải trói luôn đôi chân mình”- ông Kiên nói. 
 
Tăng vỉa hè cảm giác
 
Ông Đậu An Phúc, Trưởng Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ thuộc Sở GTVT TPHCM, cho biết sở đang nghiên cứu lắp đặt đèn tín hiệu giao thông phát ra âm thanh, đồng thời  yêu cầu các quận, huyện khi chỉnh trang, làm  vỉa hè mới  phải xây tấm lát tạo cảm giác cho người khiếm thị. Cụ thể, khi lát gạch vỉa hè phải lát một hàng tấm lát có cảm giác nhằm hướng dẫn người khiếm thị di chuyển tại những nơi không có các thông tin định hướng.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các vỉa hè mới chỉnh trang ở khu vực trung tâm TP như đường Đồng Khởi, Lê Duẩn, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... đã lát một hàng gạch cảm giác theo quy định. Hàng gạch này đồng màu với các hàng gạch gần bên  nhưng bề mặt gạch có nhiều đường gờ, người khiếm thị có thể dùng gậy men theo đường gờ để đi lại an toàn.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.