Thế nhưng, đang có một thực trạng rằng, các nạn nhân hiện không biết kêu ai. Có người đến công an thì công an bảo phải liên hệ với “nhà mạng” để giải quyết. Có người qua “nhà mạng” thì được trả lời là phải thông báo với cơ quan công an.
Về mặt luật pháp, trách nhiệm giải quyết thuộc về cơ quan bảo vệ pháp luật và nhà mạng trong trường hợp này có vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nhưng với tư cách là người nắm giữ công nghệ, khách hàng cũng có quyền đòi hỏi nhà mạng cần chủ động trong việc bảo vệ khách hàng khỏi những hành vi quấy rối. Chẳng hạn như, với dịch vụ giấu số, đang gây ra rất nhiều phiền toái do bị lợi dụng trong các trò quấy rối điện thoại, các nhà mạng không giải thích được một cách rõ ràng về mục đích của dịch vụ để làm gì. Như vậy, lý do tồn tại của dịch vụ này là không có, mặc dù có thể thừa nhận nó là một trong những tiến bộ của công nghệ. Trên thực tế mạng Viettel đã bỏ dịch vụ này từ cách đây hơn 1 năm, rất nhanh sau khi thử nghiệm do nhận được quá nhiều phản ánh về dịch vụ giấu số bị lợi dụng trong nhiều trường hợp quấy rối điện thoại. Thậm chí các thuê bao khác khi giấu số gọi vào mạng Viettel cũng bị bắt hiện số (trừ một số máy đời cao có phần mềm giấu số mà mạng này chưa “giải” được).
Mỗi ngày, các nhà mạng nhận được hàng nghìn khiếu nại của khách hàng về việc bị quấy rối điện thoại, mức độ này hay mức độ khác, phần lớn trong số đó là xuất phát từ những thuê bao giấu số. Nhưng cũng theo phản ánh của khách hàng thì họ thường không thỏa mãn với cách giải quyết của các nhà mạng, khách hàng thường được khuyên “tắt máy” hoặc sử dụng thêm dịch vụ chặn cuộc gọi mà không phải là một biện pháp trách nhiệm nào khác. Chủ động phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý nghiêm chỉ một hoặc vài vụ quấy rối điện thoại, chắc chắn sẽ giúp các nhà mạng “lấy điểm” với khách hàng nhiều hơn là lo cung cấp những dịch vụ chẳng rõ lý do tồn tại.
An Nguyên
Bình luận (0)