ROCR là công trình sáng tạo của các chuyên gia thuộc Đại học Utah. Robot này sử dụng hai mấu, một động cơ và một cái đuôi đong đưa như quả lắc đồng hồ để leo lên bức tường phủ thảm cao 2,4 mét trong 15 giây, như một vận động viên leo núi chuyên nghiệp hoặc một con khỉ đánh đu từ cành cây này sang cành khác.
William Provancher, người chủ trì nhóm nghiên cứu và chế tạo ROCR, cho biết: "Robot này về lâu dài có thể được sử dụng vào việc kiểm tra, bảo trì và giám sát, nhưng trước mắt nó có thể được dùng làm công cụ dạy học hoặc là món đồ chơi thú vị". Ông cho biết thêm: "Trong khi những robot leo trèo trước đó chỉ tập trung vào các vấn đề như tốc độ, khả năng bám tường, quyết định di chuyển bằng cách nào và đến đâu, thì ROCR là robot đầu tiên tập trung vào việc leo tường một cách hiệu quả".
Một robot leo tường được chế tạo trước đây leo nhanh gấp 4 lần so với ROCR, vốn chỉ đạt tốc độ 15,7 cm/giây, nhưng ROCR đạt hiệu quả cao hơn 20% trong các cuộc thử nghiệm về khả năng leo, một thành tựu mà nhóm nghiên cứu cho là "hết sức ấn tượng". Tính hiệu quả của robot được hiểu là tỷ lệ hoạt động trong hành động leo tường so với điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi robot leo tường có thể được sử dụng bình thường.
Một số robot được chế tạo trước đây có 2-8 chân và nặng hàng trăm ký, ROCR nhỏ và trông "dễ thương" hơn nhiều, với chiều ngang 30,48 cm, cao 45,72 cm, nặng 0,54 kg. Động cơ chịu trách nhiệm vận hành đuôi robot và một thanh thăng bằng được gắn với phần thân trên của robot. Phần thân trên cũng có hai mấu nhỏ bằng thép bám chặt vào tường khi robot thực hiện hành động leo. Động cơ vận hành bằng bánh răng nằm ở phần trên đuôi, khiến đuôi đong đưa qua lại, qua đó đẩy robot đi lên. Pin được gắn dưới đuôi cung cấp điện cho toàn bộ hệ thống. Một máy tính siêu nhỏ và các thiết bị cảm biến gắn bên trong ROCR cho phép robot này hoạt động độc lập.
Khang Huy
(Theo Phy)
Bình luận (0)