Tăng viện phí: Chỉ nên tính đúng chứ không tính đủ

07/08/2010 16:37 GMT+7

(TNO) Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu trong buổi làm việc của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội với Bộ Y tế, các cơ sở y tế phía Nam về chính sách, pháp luật y tế vào sáng nay (7.8). >> Tăng viện phí: Người kín đầu, kẻ hở chân / Choáng vì dự kiến tăng viện phí / Giá viện phí: Chỉ cần điều chỉnh! / Tăng viện phí

Người dân chỉ trả 40-50% giá trị dịch vụ

Báo cáo trước các đại biểu, ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết: trong khoảng 3.000 dịch vụ y tế đang được thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành khung giá từ năm 1995, theo nguyên tắc chỉ tính một phần các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ (phần lớn mới chỉ thu 30-50% chi phí trực tiếp) theo thời giá năm 1995.

"Vì vậy, 350 dịch vụ được điều chỉnh trong dự thảo khung viện phí mới lần này là cần thiết “điều chỉnh cấp bách”, mức thu trên không còn phù hợp với giá cả và chi phí thực tế, nếu tiếp tục thực hiện sẽ rất khó khăn trong việc đảm bảo kinh phí cho các dịch vụ y tế", ông Liên nhấn mạnh.

Trong đó, có 220 dịch vụ có mức điều chỉnh tăng tối đa dưới 2,5 lần; khoảng 60 dịch vụ dự kiến điều chỉnh tăng tối đa từ 2,5-5 lần và khoảng 70 dịch vụ tăng từ 7-10 lần.

Theo Bộ Y tế, khung viện phí mới thực hiện theo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”, phần nào được nhà nước đầu tư và đã chi thì không được tính vào giá dịch vụ (như chi đầu tư nhà cửa, trang thiết bị, tiền lương cho cán bộ y tế), phần nào nhà nước không chi (như: thuốc, vật tư, hóa chất, điện nước, xử lý chất thải…) thì phải huy động sự đóng góp của người bệnh.

Ông Liên giải thích thêm, khi tính mức giá khám tối đa cho khung viện phí mới là 30.000 đồng/lần khám (ở bệnh viện hạng 1 và đặc biệt) là Bộ Y tế đã tính trừ ra 50% chi phí do Nhà nước “bao cấp” cho bệnh viện, đây là phần còn lại mà người dân phải chi trả (50%).

Đối với tiền giường bệnh, với khung viện phí mới, người dân trả 100.000 - 120.000 đồng/ngày (giường bệnh hồi sức cấp cứu bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt) là chỉ trả 40% giá thực của dịch vụ còn đã có 60% do kinh phí Nhà nước cấp.

Đây là khung giá tối đa, tùy theo tình hình kinh tế xã hội của từng địa phương mà Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quyết định mức thu của các bệnh viện thuộc trung ương và Chủ tịch UBND tỉnh, thành quyết định mức thu của các bệnh viện địa phương trong phạm vi khung giá mới.

Phải nghĩ đến người nghèo khi tăng viện phí

Các đại biểu có ý kiến rằng, sẽ ủng hộ việc điều chỉnh mức viện phí mới nếu thay đổi viện phí để khuyến khích, động viên nguồn nhân lực, vật lực cho bệnh viện, bác sĩ, nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân. Tuy nhiên, đề nghị Bộ Y tế phải tổ chức lấy ý kiến người dân về mức viện phí và việc điều chỉnh phải có lộ trình.

Ông Huỳnh Thành Lập, đại biểu HĐND TP.HCM, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đồng ý nguyên tắc tính đúng viện phí nhưng không thể tính đủ. Vì theo nhiều đại biểu, hoạt động y tế là hoạt động mang yếu tố chính trị, xã hội nên khi tính toán mức viện phí thì không thể tính một cách kỹ thuật mà phải tính đến các giá trị xã hội, nhân đạo của ngành y tế. Đặc biệt, viện phí tăng phải nghĩ đến gánh nặng của đối tượng nghèo.

Bộ Y tế cần công khai giá khám chữa bệnh và dịch vụ y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế, tính đúng chi phí vật tư tiêu hao vào cơ thể người bệnh, giải trình rõ mức giá mới đã có bao nhiêu % kinh phí Nhà nước bao cấp, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội có ý kiến.

Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng khung giá mới góp phần giảm bớt sự bao cấp tràn lan trong khám chữa bệnh, chuyển ngân sách để hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng chủ yếu thông qua BHYT.

Các đối tượng hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, đồng bào các dân tộc thiểu số được Nhà nước mua BHYT và được BHYT chi trả đến 95%. Theo lộ trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, các hộ cận nghèo đã được hỗ trợ 50% mức đóng BHYT và đến ngày 1.1.2012 sẽ hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp…

Bộ Y tế quy định các bệnh viện phải trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ cho các trường hợp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gặp khó khăn.

Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.