Mắt ong cho robot bay

08/08/2010 18:42 GMT+7

Người ta đã tạo ra những robot nhỏ nhắn có thể bay trong không gian để quan sát hiện trường xung quanh. Nhưng, nhược điểm chung là thị lực của chúng còn khá kém. Vì vậy, việc nghiên cứu để nâng tầm nhìn cho robot bay đang được nhiều nhà khoa học quan tâm.

Người ta nhận thấy hằng ngày loài ong mật có thể đi đi về về giữa tổ của chúng và nguồn thức ăn nhiều lần, bất chấp sự thay đổi rất lớn của thời tiết. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học xác định rằng nhờ tầm nhìn rộng và khả năng xử lý dữ liệu tốt, loài ong mật đã tìm đường đi rất chính xác.

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Kỹ thuật nhận thức tương tác thuộc Đại học Bielefeld (Đức) đã sáng chế được mắt ong mật nhân tạo, dự định sẽ ứng dụng cho các robot bay. Con mắt nhân tạo này gồm kính bằng chất liệu acrylic khá nhẹ, kết hợp với thấu kính phản chiếu, nối với thiết bị quay video. Nó được coi là một con mắt đơn vì chỉ trang bị 1 camera, nhưng hoạt động tương tự một cặp mắt ong với thị trường bao quát 280 độ.

Để đạt được điều này, phần dưới của thấu kính phải được phản chiếu toàn bộ những gì mà phần vòm bên trên ghi nhận được. Trung tâm hình ảnh được ghi trực tiếp qua một lỗ nhỏ trên thấu kính, nhờ kỹ thuật ánh sáng đặc biệt nên những vùng xung quanh ảnh chính cũng được thu thập. Với kỹ thuật lập bản đồ thì các dữ liệu tổng thể về hình ảnh sẽ được xử lý qua số hóa để hòa nhập thành một hình rõ ràng nhất.

Những nỗ lực trước đây đối với việc mô phỏng mắt ong lại thiếu khả năng tập trung với những đối tượng ở cự ly gần, hoặc phải sử dụng camera kép mà điều này thì lại quá nặng đối với robot bay có kích thước khá bé.

Theo Gizmag, các nhà khoa học đang lên kế hoạch làm cho hệ thống quan sát giả lập này giống với mắt ong thật hơn nữa - đặc biệt là hiển thị được ánh sáng tia cực tím mà ong có thể nhìn thấy. Họ cũng hy vọng mô phỏng được tiến trình xử lý dữ liệu của thần kinh loài ong mật khi đã ghi nhận được hình ảnh.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.