Nạn nhân da cam còn nhiều
Điều bà Phượng lo lắng và bận tâm là di chứng chất độc da cam mà Nguyễn Đức (chàng trai còn lại của cặp song sinh Việt - Đức) mắc phải có thể ảnh hưởng đến những đứa con của anh. Đức vừa đón hai đứa con sinh đôi: một trai, một gái cách đây gần một năm.
May mắn là cuối cùng má Phượng cũng có thể thở phào, cười tươi khi Đức thông báo tình trạng của hai bé là khỏe mạnh; cháu trai gần 8kg, còn bé gái cũng đã hơn 7kg.
Là một người gắn bó và đồng hành cùng nỗi đau mà những nạn nhân da cam VN phải chịu đựng, có cái gì đó khiến má Phượng cứ phải phập phồng lo sợ.
Theo bà, nếu cha mẹ tiếp xúc với dioxin, thì khả năng có con bị biến dạng cao gấp ba lần. Hiện tại, VN có khoảng 50.000 trẻ em bị biến dạng được sinh ra bởi những cha mẹ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trực tiếp hoặc do ảnh hưởng từ thức ăn và nước uống.
Hiện tại, nhiều nguồn điều tra khác cho thấy, số lượng người nhiễm dioxin qua đời cùng số lượng bị phơi nhiễm ngày một tăng.
Theo bà Phượng, một số báo cáo cho thấy số lượng nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin ở VN lên đến gần 10 triệu người chứ không phải 3 triệu người như thống kê hiện nay. Còn quá nhiều nạn nhân, cùng những người thân của các thế hệ tiếp theo đang bị phơi nhiễm mà chưa thể thống kê hết.
|
Chính vì vậy mà hằng năm, dù có khoảng 100 triệu USD (từ nhiều nguồn: Chính phủ, các nhà hảo tâm) nhưng vẫn không thể chăm lo, bù đắp hết những nỗi đau mà các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin đang phải gánh chịu.
Cả hội trường như lặng đi khi chú Trần Doãn Lẫm, một nạn nhân của chất độc da cam, đang bị ung thư tủy sống, vừa chống chọi với bệnh tật, vừa canh cánh trong lòng câu hỏi: Còn sống đến bao giờ để có thể lo cho đứa con đang nằm một chỗ. "Tôi chết rồi, ai sẽ lo cho nó?”, chú Trần Doãn Lẫm nói.
Chung tay lo cho những thế hệ thứ hai, thứ ba
Thật đớn đau là các em cũng có số phận như mỗi người trong chúng ta, có quyền tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng trớ trêu, các em phải gánh chịu những nỗi đau mà các em không được biết của chiến tranh
|
|
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần - Trưởng khoa Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ |
Ông Phạm Thanh Rạng, đại diện Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Vĩnh Long nói: "Một mình tôi bị nhiễm là được rồi, nào ngờ con trai và giờ đây là cháu nội cũng phải mang chung nỗi đau bệnh tật".
Đứa cháu nội của ông dù đã được xét nghiệm rất kỹ từ khi còn trong bào thai nhưng cuối cùng khi sinh ra mới phát bệnh. Đâu chỉ mình ông Rạng, chú Cao Hoài Nhơn (TP.HCM) cũng chịu chung số phận.
Năm 1993, chú Nhơn mới phát hiện mình bị bệnh, sau cả con trai đầu. Ba người con thì một chết, hai còn sống trong bệnh tật. Những tưởng có thể tạm qua cơn bĩ cực khi đứa cháu nội ra đời; nhưng rồi mới đây, thế hệ thứ ba của gia đình chú cũng phải chịu chung số phận.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần, Trưởng khoa Làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ, 21 năm công tác là bao nhiêu thời gian bà chứng kiến những mảnh đời đau đớn của các bé, các em. Lần lượt nhiều người đã ra đi nhưng vẫn còn đó những nỗi đau nằm lại. “Thật đớn đau là các em cũng có số phận như mỗi người trong chúng ta, có quyền tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng trớ trêu, các em phải gánh chịu những nỗi đau mà các em không được biết của chiến tranh”, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Tần tâm sự.
Chính những mất mát và thiệt thòi tàn nhẫn trên mà bên cạnh việc đấu tranh đòi lại công lý từ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ, đang tiếp tục làm lay động lương tri, lòng người trên toàn thế giới, thì sự chung tay góp sức của cộng đồng là rất cần thiết và cần được tích cực đẩy mạnh một cách mạnh mẽ hơn.
Thành Trung
Bình luận (0)