Yasuni được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển cần được bảo tồn, có giá trị đặc biệt không chỉ về đa dạng sinh học, mà còn ở chỗ có 2 bộ tộc đã sống từ thời cổ đại đến nay là người Tagaeri và Taroemanan. Tuy nhiên, ở đó lại chứa 20% nguồn dầu lửa của Ecuador. Đối với chính phủ nước này, bảo tồn vườn Yasuni thì không khai thác được nguồn tài nguyên ấy và nếu khai thác nó thì lại không còn khu dự trữ sinh quyển quý giá. Thỏa thuận nói trên đã mở ra giải pháp cứu khu vườn quốc gia này như thể giải cứu một “con tin”: UNDP chấp nhận trả cho Ecuador số tiền bằng một nửa giá trị dầu lửa nằm dưới khu vườn quốc gia (khoảng 3,6 tỉ USD). Số tiền này được các quốc gia trên thế giới đóng góp thành một quỹ chung, từ đó chi cho việc thực hiện những dự án giúp Ecuador phát triển kinh tế - xã hội mà không hủy hoại Yasuni.
Có thể nói đó là một giải pháp rất đặc biệt và chưa từng thấy của LHQ. Có người chê trách Ecuador biến khu vườn quốc gia thành con tin trong chủ trương bảo vệ môi trường sinh thái của LHQ. Nhưng công bằng mà nói thì chính phủ nước này cũng có cái khó riêng nên quyết định giữ cái gì, bỏ cái gì chẳng dễ dàng chút nào. Giải pháp mà UNDP đưa ra giúp chính quyền Quito thoát khỏi tình thế khó xử ấy, nhưng đồng thời tạo tiền lệ mới và chắc chắn LHQ sẽ còn phải nhiều lần nỗ lực giải cứu những “con tin” tương tự theo cách tương tự. Giải pháp này chỉ khả thi khi LHQ kiên định chủ trương ấy và các quốc gia coi việc tham gia tài chính như trách nhiệm góp phần bảo tồn những giá trị thiên nhiên mang lại cho nhân loại.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)