“Nobel Toán học” gọi tên Ngô Bảo Châu

11/08/2010 23:14 GMT+7

Được đánh giá là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất hiện nay, giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu đầy hy vọng giành giải thưởng Huy chương Fields danh giá.

Còn chưa đầy một tuần nữa là Hội nghị Toán học thế giới lần thứ 26 sẽ bắt đầu tại Hyderabad, Ấn Độ. Ngoài giới chuyên môn và những người yêu thích toán học, nhiều người Việt Nam cũng đang rất mong chờ tới hôm 19.8, ngày khai mạc đại hội, vì đây cũng là ngày xướng tên người nhận giải thưởng Huy chương Fields (Fields Medal Prize) 2010.

Ngay từ cuối năm 2009, GS Châu đã được xem là một trong những ứng viên hàng đầu cho giải thưởng kỳ này vì những cống hiến nổi bật của anh, đặc biệt là công trình lừng lẫy chứng minh Bổ đề cơ bản thuộc Chương trình Langlands. Trên các website chuyên môn cũng như các diễn đàn của giới yêu toán, cái tên Ngô Bảo Châu liên tục được nhắc đến bên cạnh những gương mặt nổi tiếng khác. Sự kỳ vọng càng lớn hơn khi anh được chọn trình bày báo cáo khoa học tại phiên toàn thể hội nghị 2010.       

Được xem là giải thưởng cao quý nhất trong toán học nhưng vì 4 năm mới được trao một lần cộng thêm có nhiều quy định ngặt nghèo nên Huy chương Fields vẫn còn khá xa lạ với đa số công chúng.

“Nobel Toán học”

Giải Huy chương Fields do nhà toán học người Canada John Charles Fields sáng lập và được trao lần đầu vào năm 1936. Giải được trao trong Hội nghị Toán học thế giới (ICM) vốn diễn ra 4 năm một lần, theo Icm2010.in, website chính thức của hội nghị năm nay.

Mỗi lần, Huy chương Fields được trao cho tối đa 4 nhà toán học không quá 40 tuổi. Phần thưởng gồm một huy chương vàng, mặt trước khắc hình nhà bác học thiên tài Hy Lạp cổ đại Archimedes, còn tên người nhận giải khắc ở rìa của huy chương. Theo tờ The New York Times, mỗi nhà toán học giành Huy chương Fields hồi năm 2006 nhận được 15.000 USD.

Người thắng giải được chọn thông qua bỏ phiếu bởi các thành viên Ủy ban Huy chương Fields, vốn đại diện cho những người tham dự ICM. Mặt khác, ICM là hội nghị toán học lớn nhất thế giới, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1897 tại Zurich, Thụy Sĩ và là diễn đàn của cộng đồng toán học toàn thế giới. Vì thế, Giải thưởng Huy chương Fields có uy tín rất lớn, được ví như giải Nobel của toán học cho những nhà toán học đã bị Alfred Nobel “bỏ quên”.

Tuy vậy, giữa Huy chương Fields và Nobel có nhiều điểm khác biệt. Trước hết, tiền thưởng của Huy chương Fields khá thấp so với con số khoảng 1,5 triệu USD/giải của giải Nobel. Ngoài ra, Huy chương Fields thiên về tôn vinh một công trình nghiên cứu hơn là một khám phá cụ thể. Có lẽ khác biệt lớn nhất giữa 2 giải thưởng cao quý này là giới hạn tuổi tác. Đây cũng là điểm khiến nhiều ý kiến cho rằng giành Huy chương Fields còn khó hơn đoạt Nobel. Quy định sinh nhật lần thứ 40 của người nhận giải không được diễn ra trước ngày 1.1 của năm trao giải bị đánh giá là quá khắt khe. Vì lẽ này mà nhiều nhà toán học xuất sắc đành ngậm ngùi bỏ lỡ vì để đạt thành tựu nghiên cứu lớn, hoặc được công nhận thành tựu đó, đôi khi mất cả chục năm.

Tính đến ngày 2.8, đã có 2.816 nhà toán học đăng ký tham dự Hội nghị Toán học quốc tế ICM 2010. Trong đó, Việt Nam có 25 người, tính luôn GS Ngô Bảo Châu. Ngoài giải Huy chương Fields, ICM còn trao thêm các giải thưởng Nevanlinna Prize cho lĩnh vực tin học lý thuyết và Gauss Prize cho toán ứng dụng. Đặc biệt năm nay sẽ là lần đầu tiên trao giải Huy chương Chern (Chern Medal Award), một dạng giải Thành tựu suốt đời với phần thưởng trị giá 500.000 USD, theo Icm2010.in.

Đến trước ICM 2010, có 48 nhà toán học được vinh danh với Huy chương Fields. Trong đó, Mỹ dẫn đầu với 13 người, tiếp theo là Pháp (9 giải), Liên Xô cũ và Nga (8 giải), Anh (6), Nhật Bản (3), Bỉ (2), Úc (1), Đức (1), Ý (1), Na Uy (1), New Zealand (1), Phần Lan (1), Thụy Điển (1). Như vậy, trong suốt 74 năm qua, châu Á mới có một quốc gia duy nhất có công dân được nhận giải này là Nhật Bản vào các năm 1954, 1970 và 1990. Nếu GS Ngô Bảo Châu được trao Huy chương Fields 2010 thì Việt Nam sẽ trở thành nước châu Á thứ hai sau Nhật Bản có vinh dự này.    

Tự hào trí tuệ Việt

Với những thành tựu mang tính đột phá trong nghiên cứu toán học được quốc tế công nhận và những giải thưởng uy tín đã giành được, GS Ngô Bảo Châu được đánh giá là ứng viên sáng giá của Huy chương Fields 2010. Những người tham gia dự đoán trên website Mathoverflow.net, một diễn đàn của những người nghiên cứu toán học toàn thế giới, xếp tên anh trên những nhà khoa học trẻ tuổi nổi bật khác như Artur Ávila người Brazil hay Jacob Lurie người Mỹ. Trong khi đó, trang blog của khoa Toán ĐH Columbia lừng danh của Mỹ đăng một bài viết rằng: “Nhiều người đoan chắc Ngô Bảo Châu sẽ giành chiến thắng nhờ công trình về Bổ đề cơ bản và anh ấy còn được chọn báo cáo trong phiên toàn thể của hội nghị”.

Thật vậy, với việc chứng minh được Bổ đề cơ bản của chương trình Langlands, GS Châu đã giải được một trong những thách đố lớn nhất của toán học hiện đại. Sự kiện này gây chấn động làng khoa học thế giới bởi nhiều người cho rằng phải mất cả thế hệ, thậm chí vài thế hệ, Bổ đề cơ bản mới có thể được chứng minh. 

 
Mặt trước huy chương Fields - Ảnh: Wikipedia

Bổ đề cơ bản là một giả thuyết do nhà toán học Canada Robert Langlands đưa ra vào những năm 1960. Đây là phần quan trọng trong hệ thống các giả thuyết trung tâm của toán học hiện đại được Langlands thành lập, vốn đã trở thành động lực cho sự phát triển của toán học lý thuyết trong nhiều năm qua. Thành công trong nghiên cứu bổ đề này đã mang về cho Ngô Bảo Châu nhiều giải thưởng danh giá như giải Clay (chia sẻ với thầy mình là nhà toán học Pháp Gérard Laumon), giải Oberwolfach.

Website ArXiv.org đăng một bài viết của nhà toán học nổi tiếng người Mỹ Thomas Callister Hales nhận xét về Bổ đề cơ bản như sau: “Bổ đề cơ bản không phải là một bổ đề. Nó là một giả thuyết toán học phức tạp với một cái tên dễ gây hiểu lầm rằng nó rất đơn giản. Có lẽ khi đặt tên là “Bổ đề cơ bản”, tác giả đã đánh giá quá thấp độ khó của giả thuyết này”. Nhận định này cho thấy những khó khăn mà Ngô Bảo Châu đã vượt qua cũng như trả lời cho câu hỏi: Tại sao nên trao giải Huy chương Fields cho người giải được Bổ đề cơ bản? 

Đây cũng là cơ hội cuối cùng cho Ngô Bảo Châu vì năm nay anh đã 38 tuổi. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên trước đây, GS Châu từng thổ lộ: “Bản thân tôi suy nghĩ khá đơn giản về giải thưởng nói chung. Nếu người ta trao cho tôi, tôi sẽ đón nhận nó như một vinh dự lớn. Nếu không, tôi cũng cho rằng mình không nên buồn quá. Đặt niềm tin vào những cái này là không nên”.

Dĩ nhiên, dự đoán dù sao cũng chỉ là dự đoán và phải đợi đến ngày 19.8 mới biết được kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, mỗi người Việt Nam đều hy vọng rằng cái tên Ngô Bảo Châu sẽ được xướng lên và một lần nữa trí tuệ Việt lại được thế giới vinh danh.

- Năm 1954: nhà toán học Pháp Jean-Pirre Serre trở thành người trẻ tuổi nhất giành giải ở tuổi 27. Đến nay kỷ lục này vẫn chưa bị phá.

- Năm 1990: Edward Witten, người Mỹ, là nhà vật lý duy nhất từ trước đến nay được trao Huy chương Fields.

- Năm 1998: lần duy nhất trong lịch sử 74 năm của giải, một huy chương bạc được trao cho nhà Toán học Anh Andrew Wiles nhờ công trình chứng minh Định lý cuối cùng của Fermat. Lý do là khi được xét trao giải ông đã quá 40 tuổi.

- Năm 2006: Grigori Perelman từ chối nhận giải thưởng và cũng không tham dự Hội nghị ICM năm đó. Nhà toán học Nga ở ẩn này nổi tiếng là luôn trốn tránh công chúng và giới truyền thông và từng từ chối rất nhiều giải thưởng khác, có giải trị giá tới 1 triệu USD.

Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TSKH Đào Trọng Thi - GS đầu ngành về toán học của VN, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Trong 4 người được đề cử thì tôi cho rằng GS Ngô Bảo Châu là ứng cử viên số 1 cho giải thưởng Fields lần này. Chúng ta cũng có cơ sở để nói rằng đó là một vinh dự của khoa học Việt Nam vì GS Ngô Bảo Châu đã học tập ở VN hết cấp THPT, được Nhà nước cử đi đào tạo ở nước ngoài, và còn bởi vì GS Châu là người vẫn giữ quốc tịch VN”.

Còn GS-TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học VN cho rằng: “Chúng tôi không còn nghi ngờ gì về việc GS Ngô Bảo Châu sẽ giành giải thưởng Fields tại Đại hội Toán học quốc tế sắp tới. Trong 4 công trình khoa học được đề cử giành giải thưởng Fields thì công trình của anh Châu là đặc sắc nhất. Không phải ngẫu nhiên, tạp chí Time (Thời đại) đã chọn công trình của anh là một trong 10 thành tựu khoa học tiêu biểu của năm 2009. Đương nhiên đánh giá đó phải dựa trên tư vấn của một ban cố vấn khoa học từ nhiều ngành khác nhau. Chiến tích của anh lần này hoàn toàn thuyết phục những chuyên gia khắt khe nhất, sự đánh giá này lại xuất phát từ quốc tế rồi mới lan tỏa đến nước ta”.

Tuệ Nguyễn
(ghi)

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.