Hãy tạo điều kiện tốt nhất để giáo sư Ngô Bảo Châu cộng tác

12/08/2010 00:04 GMT+7

Vẫn đang còn nhiều vướng mắc xung quanh vấn đề chiêu hiền đãi sĩ. Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc gửi về tòa soạn sau khi đọc bài viết GS Ngô Bảo Châu khó về hẳn VN làm việc đăng trên Thanh Niên ngày 10.8.

Cộng tác là tốt nhất

Theo tôi, việc GS Châu khó về hẳn VN để làm việc là hoàn toàn đúng. Thứ nhất, nếu về hẳn, với mức lương eo hẹp như thế sẽ không đảm bảo đời sống cho gia đình ông. Thứ hai, sẽ khó phát triển một tài năng khi lao động, làm việc trong một môi trường còn thiếu những ê-kíp giỏi, không đồng đều về trình độ, thậm chí điều kiện để áp dụng những nghiên cứu cũng khó khăn. Vì vậy, việc mời GS Châu cộng tác là giải pháp tốt và có sức thuyết phục nhất. Bằng tấm lòng của người con quê hương cộng với tài năng của mình, dù chỉ cộng tác nhưng tôi tin rằng GS Châu sẽ giúp cho toán học Việt Nam những bước phát triển mới, theo kịp sự phát triển của ngành toán học thế giới. Thanh Duy (Q.2, TP.HCM)

Cần cao cấp không?

Nếu sắp tới thành lập Viện Nghiên cứu toán học cao cấp thì hóa ra từ trước đến nay chúng ta chỉ nghiên cứu toán học cấp thấp thôi hay sao? Đừng nên lấy cái tên một cách hình thức như thế. Ngay cả thế giới, người ta cũng chỉ tổ chức Đại hội Toán học thế giới, dĩ nhiên trong đó toàn là bàn thảo về toán học cao cấp. Việc thành lập viện mới sẽ tiêu tốn bao nhiêu chi phí, công sức, thời gian trong khi hiện đã có Viện Toán học rồi, chỉ cần phát triển về chất lượng là đủ. Nếu lập thêm một Viện Toán học nữa là lãng phí tiền ngân sách.(q1h2n...@yahoo.com.vn)

Nghịch lý đãi ngộ

Qua sự việc này chúng ta mới thấy một vấn đề trở thành rào cản trong việc phát triển đất nước, đó là tiền lương cho nhân tài. Đây là vấn đề nhức nhối trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ trước đến nay. Trả lương thấp thì không có người làm, trả lương cao thì vi phạm pháp luật. Cơ chế tiền lương cần phải có sự thay đổi theo đúng ý nghĩa của nó.

Với một người như GS Châu thì có thể sẽ không quan tâm đến chuyện lương bổng mà tâm huyết cống hiến cho khoa học nước nhà là chủ yếu, nhưng một câu hỏi lớn cho chính sách thu hút nhân tài qua sự việc này cũng cần phải đặt ra. Không thể cứng nhắc như thế mãi, phải thật linh hoạt và phải biết phá rào thì những nhân tài mới toàn tâm toàn ý phục vụ đất nước. (nguyenvanha...@gmail.com)

Viện nghiên cứu cấp cao về toán học sẽ hoạt động ra sao? 

GS-TSKH Đào Trọng Thi - GS đầu ngành về Toán học của VN, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội: Thường thì ở các nước viện nghiên cứu gắn với các trường ĐH. Cũng có những nước có Viện cao cấp về toán học, nhưng thường thì đều là những nước phát triển, có nền khoa học tiên tiến. Ví dụ như Mỹ, Đức... Viện nghiên cứu cao cấp Princeton (Mỹ) - nơi anh Châu đã làm việc là một ví dụ điển hình. Bản thân tôi cũng đã từng nhận lời mời phối hợp làm việc với những viện toán học cao cấp như vậy ở nước ngoài. Đây là một nơi lý tưởng để nghiên cứu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa những nhà toán học trong nước cũng như quốc tế.

Nếu nước ta có một viện  cấp cao về toán học là tốt nhưng quả thực tôi cũng chưa hiểu rõ lắm rằng viện này sẽ hoạt động như thế nào bên cạnh một Viện Toán học hiện có.

GS-TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học, Phó viện trưởng Viện Toán học VN: Viện nghiên cứu cấp cao về toán học được xây dựng theo mô hình Viện nghiên cứu cấp cao của Hàn Quốc (KIAS). Đó là một mô hình cấp tiến. Nhiệm vụ chính của viện là nơi để các tiến sĩ toán đang giảng dạy tại các trường ĐH thỉnh thoảng đến làm việc, có thể tập trung vào công việc nghiên cứu của mình, nâng cao năng lực nghiên cứu, hoàn thiện những công trình toán học mà tại trường họ công tác không đủ thời gian hoặc không đủ người để trao đổi. Đây còn là nơi để các tân tiến sĩ đến hoàn thiện mình, học tập và nghiên cứu tiếp để trở thành những nhà nghiên cứu độc lập. Khi trình độ cao thì họ quay về trường hướng dẫn sinh viên. Ngoài ra, nếu viện đóng ở Hà Nội, sinh viên các trường ĐH ở Hà Nội có thể hằng ngày đến đây dự các hội thảo hoặc gặp gỡ học hỏi các thầy.

Tuy nhiên, phải nói ngay rằng không có chuyện viện này là “đôi đũa thần”, chỉ một hai năm sau khi thành lập là đã có thể nhìn thấy toán học VN phát triển ầm ầm. Muốn phát triển một ngành khoa học thì phải cần có nhiều năm, 10 năm mà đã tiến được 10 bậc đã là thành công lớn.

Tuệ Nguyễn (ghi)

Ban CTBĐ 
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.