Biến cửa sổ thành máy phát điện

13/08/2010 21:41 GMT+7

Những tế bào quang điện trong suốt được làm từ những hạt nano vàng có thể biến cửa sổ thành máy phát điện và đạt hiệu quả đến 80%.

Công ty EnSol AS, có trụ sở tại thành phố Bergen (Na Uy) đã được cấp bằng sáng chế cho công nghệ trên và có kế hoạch thương mại hóa sản phẩm vào năm 2016.

Công ty này đang cùng các kỹ sư của khoa Vật lý và Thiên văn học thuộc Đại học Leicester (Anh) thúc đẩy quy trình tích hợp tế bào quang điện bằng hạt nano vàng có kích cỡ chưa đến 10nm trong một vật liệu composite trong suốt. Chris Binns, giáo sư Đại học Leicester, cho biết loại vật liệu này một ngày nào đó có thể dùng để phủ những khu vực như nóc ô tô hoặc cánh máy bay. "Mặc dù vậy, ứng dụng đầu tiên mà bạn có thể nghĩ đến là phủ lên cửa sổ ở các tòa nhà, tạo ra năng lượng đủ để thắp sáng", giáo sư Binns nói. Ông tin công trình hợp tác giữa Đại học Leicester và Công ty Ensol AS là cơ hội lớn để phát triển cách thức mới nhằm khai thác nguồn năng lượng vô tận từ mặt trời.

Nhà nghiên cứu này cho biết công nghệ của ông dựa trên những tế bào nano kim loại, vốn có những đặc tính quang học tốt hơn silicon. Phil Denby, đồng sáng lập EnSol AS, thì khẳng định : "Thay vì chỉ 30% với silicon, chúng tôi có thể đạt hiệu quả đến 80% với công nghệ này".

EnSol đã đầu tư thiết bị tại Đại học Leicester để sản xuất vật liệu cho việc chế tạo nguyên mẫu. Cơ sở này sẽ được thiết kế để sản xuất các tế bào quang điện có diện tích khoảng 40 x 40 mm trên nền thủy tinh tiêu chuẩn, phục vụ cho các cuộc thử nghiệm sau đó. Giáo sư Binns cho biết công nghệ tế bào quang điện có tiềm năng lớn cho việc sử dụng ở quy mô công nghiệp, tác động môi trường thấp và sản xuất với chi phí thấp thông qua kỹ thuật "xịt" tiêu chuẩn.

Khang Huy (Theo Engineer)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.