Trong kiến nghị của mình, VEA đề xuất xóa bỏ cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng. VEA cho rằng mức giá điện có hỗ trợ của Nhà nước với 50 kWh đầu tiên chỉ nên áp dụng cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, có công với cách mạng, học sinh, sinh viên... Các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên áp dụng giá điện theo thị trường với mức giá từ 7 - 8 cent/kWh, tương đương khoảng 1.300 - 1.500 đồng (mức giá hiện tại khoảng 1.050 đồng/kWh).
Đề xuất của VEA làm người ta nhớ tới ý kiến phát biểu gần đây của ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện lực VN (EVN), khi ông này cho rằng giá bán điện phải là 7 - 8 cent/kWh thay cho 5,3 cent như hiện nay thì ngành điện mới đủ sức hút với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - đơn vị cùng với Bộ Công thương được giao nhiệm vụ thẩm định về giá điện, cho biết đến thời điểm này ông vẫn chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào từ phía VEA. Từ chối bình luận về mức tăng giá lên tới 7 - 8 cent/kWh, theo ông Thỏa, hiện chưa có một phương án nào về tăng giá điện. Ngay cả khi có phương án giá, hai cơ quan này cũng phải tính toán dựa trên nhiều yếu tố như chi phí đầu vào, chỉ số CPI, tỷ giá... |
Trong lần trả lời báo chí mới đây, ông Hưng cũng cho biết, tính đến giữa tháng 7, EVN đã bị lỗ tới 5.400 tỉ đồng do phải mua điện từ Trung Quốc với giá cao và huy động tối đa các nhà máy điện chạy dầu, nhưng số lỗ rất lớn này sẽ được bù đắp nhờ nguồn dồi dào từ thủy điện trong những tháng cuối năm. Rõ ràng, trong tính toán của mình, VEA chỉ mới tính đến đầu vào giá cao là nhiệt điện mà “quên mất” đầu vào giá thấp là thủy điện.
Cũng theo VEA, để hỗ trợ cho người nghèo, nên thành lập một tổng công ty quản lý giá điện cho hộ nghèo và giá điện phục vụ công ích xã hội trực thuộc EVN. Tuy nhiên, ông Quang A cho rằng, việc hỗ trợ người nghèo nên làm trực tiếp, nhưng phải tính toán rõ trong 50 kWh đầu tiên đang bao cấp về giá, số người giàu, người nước ngoài chiếm tỷ lệ cụ thể bao nhiêu %. “Kiến nghị thành lập tổng công ty như thế là kiểu đánh hỏa mù”, ông Quang A nói. Thay vì để ngân sách tiếp tục bù cho người nghèo, có thể dùng phương pháp đấu thầu công khai. Ví dụ ngành viễn thông, tại những vùng sâu vùng xa ít ai chịu lên đặt trạm phát sóng, mỗi mạng viễn thông sẽ trích một khoản từ tiền lãi như quỹ hỗ trợ cho bất kỳ doanh nghiệp nào chịu đấu thầu làm trạm phát sóng. Tương tự với ngành điện, có thể dùng phương pháp đấu thầu này để tiết giảm chi phí khi kéo đường dây lên vùng sâu vùng xa vốn rất tốn kém, qua đó giảm được giá thành bán điện cho người nghèo.
M.H
Bình luận (0)