"Thú chơi" mới toanh này được gọi chung là “I-dosing” và một vài cái tên khác như “ma túy công nghệ cao” hoặc “ma túy kỹ thuật số”.
Mỗi khi muốn "phê" cùng I-dosing, các I-doser (thành viên của trào lưu trên) chỉ cần tìm một gian phòng tối, tải những gói nhạc “chế” dành riêng cho giới I-dosing từ internet rồi đeo headphone là có thể “phê” cả buổi trời.
Trung bình, một gói nhạc "chế" gây ảo giác như ma túy trên mạng có giá 16,95 USD, gồm 4 “liều” bằng định dạng MP3, lần lượt có tên là: cần sa, cocain, thuốc phiện và metcalin (chất gây ảo giác).
Nick Ashton, chủ trang web I-Doser.com, nói với tạp chí LiveScience (Mỹ) rằng: “I-dosing không hề nguy hiểm mà rất an toàn, nhưng bất kỳ người dùng nào cũng nên nhận thức được nó có thể dẫn đến một sự thay đổi tâm trạng nhất định”.
LiveScience mô tả, khi dùng loại "ma túy không khói" này, người ta có cảm giác lâng lâng và phiêu diêu khó tả.
Trong khi đó, trang I-dose.us thì tuyên bố rằng, những âm thanh động ở hai bên tai sẽ đẩy mạnh những rung cảm tích cực, tạo sự hưng phấn đồng bộ, thậm chí có thể giúp người nghe bỏ thuốc lá và làm dịu nỗi đau.
Trào lưu này được cho là khởi xướng từ các học sinh của trường Trung học Mustang, thuộc vùng ngoại ô Mustang, tiểu bang Oklahoma (miền nam Hoa Kỳ).
Nhiều video clip liên quan đến thú chơi kỳ dị này cũng được phát tán trên mạng, đặc biệt là Youtube.
Theo LiveScience, các chuyên gia nghiên cứu về thuốc phiện hoài nghi rằng, loại "ma túy công nghệ số" nói trên thật sự có hại và gây nghiện trong cộng đồng teen.
Các I-doser nói họ nghe loại nhạc này trong phòng tối có cảm giác như đang lén hút cần sa hay xài chất kích thích gây ảo giác vậy.
Lãnh đạo của trường Trung học Mustang đã buộc phải gửi email đến phụ huynh của toàn bộ học sinh trong trường cảnh báo về trào lưu không tích cực nói trên.
Trí Quang
Bình luận (0)