Sự di truyền bệnh bạch tạng

13/08/2010 21:46 GMT+7

Một số bạn đọc hỏi về bệnh bạch tạng; đề nghị giải thích cơ chế di truyền của bệnh này.

Theo chuyên gia da liễu - bác sĩ Võ Thị Bạch Sương (giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM), bệnh bạch tạng xảy ra ở người và động vật có xương sống. Đây là bệnh rối loạn bẩm sinh di truyền theo gien lặn đồng hợp tử. Gien này làm cơ thể bị khiếm khuyết men tyrosinase (giúp tham gia vào việc sản xuất melanin). Melanin là chất quy định màu sắc của da, đồng thời cũng là chất giúp cơ thể ngăn cản sự xâm hại của tia cực tím vào da. Khi không có melanin, da người bệnh bị giảm hoặc mất hẳn sắc tố, lông - tóc bạc trắng, tròng mắt cũng mất màu. Hậu quả là da bệnh nhân rất nhạy nắng, dễ có nguy cơ ung thư da nếu ra nắng thường xuyên; giảm thị lực, rối loạn thị giác hoặc bị chứng rung giật nhãn cầu…

Về sự di truyền của bệnh bạch tạng, theo bác sĩ Võ Thị Bạch Sương thì do bệnh này theo alen lặn, nghĩa là người con phải có đồng thời gien lặn của bệnh này từ cả bố và mẹ thì mới thể hiện bệnh. Nếu người con này kết hôn với người cũng mang gien lặn bệnh bạch tạng, thì thế hệ con của họ cũng sẽ có người mắc bệnh. Nếu họ kết hôn với người không mang gien lặn thì thế hệ con không bị, nhưng vẫn tiếp tục mang gien lặn từ cha mẹ và cứ thế tiếp diễn từ thế hệ này đến thế hệ sau.

"Người ta có thể chọn gien để lai tạo cho vật nuôi, cây trồng, nhưng về mặt nhân đạo, tình cảm thì ít ai chọn gien để kết hôn. Khả năng mắc bệnh của thế hệ sau sẽ là sự kết hợp ngẫu nhiên của hai cá thể nam nữ cùng mang gien lặn của bệnh này", bác sĩ Võ Thị Bạch Sương nói.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.