Tắc ruột do ăn quá nhiều chất xơ

13/08/2010 10:21 GMT+7

Bệnh nhân T.T.L., 71 tuổi, vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng vì đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều.

Khám lâm sàng thấy bệnh nhân tỉnh táo, chỉ đau bụng nhiều và chướng căng. Phim X-quang và siêu âm giúp nhóm bác sĩ trực ngoại nhanh chóng xác định tình trạng tắc ruột của bệnh nhân. Với tiền sử mười năm trước bệnh nhân đã mổ khâu vết thủng dạ dày và năm năm gần đây mổ cắt ruột thừa viêm bằng phương pháp nội soi, nhóm bác sĩ trực ngoại hội ý và thống nhất chẩn đoán đây là trường hợp dính ruột sau mổ, quyết định phẫu thuật để bóc tách.

Thật bất ngờ, sau khi kiểm tra các phẫu thuật viên phát hiện đoạn ruột non dài gần một tấc bị “nhồi chặt” bã xơ thức ăn, chủ yếu là xác bã măng tre và rau muống. Chẩn đoán sau mổ là: tắc ruột non do bã xơ thức ăn.

Chất xơ sợi (fiber) là những chất đa đường (polysaccharides), thuộc họ với chất tinh bột. Khác biệt là chất xơ không thể tiêu hóa trong hệ thống dạ dày - ruột con người vì thiếu các men tiêu hóa đặc hiệu. Chất xơ chia làm hai nhóm là tan được và không tan được trong nước, theo tính chất vật lý, trong nhiều thực phẩm cả hai loại chất xơ đều hiện diện với các tỉ lệ khác nhau.

Tuy không thể tiêu hóa, chẳng tạo ra năng lượng và cũng không có giá trị dinh dưỡng nhiều, nhưng chất xơ sợi rất cần thiết cho bộ máy tiêu hóa: (1) chất xơ không tan làm tăng nhu động ruột, chống táo bón, tăng thải trừ chất độc, chất xơ tạo cảm giác no mà không thêm calo năng lượng - giúp giảm cân, chống béo phì và ổn định pH tối ưu của đường ruột... (2) chất xơ hòa tan sẽ hoặc kết hợp, hoặc tạo thành chất nhầy nhớt, chất gel cản trở men tiêu hóa và các axit béo, cholesterol, đường glucose... nên hữu ích cho người béo phì, bệnh nhân đái tháo đường... Cần lưu ý, nên ăn cùng lúc hai loại xơ sợi tan được và không tan được trong nước với tỉ lệ tương đương 50/50 để hỗ trợ nhau về tiêu hóa và hấp thu. Với người già yếu, răng rụng, bộ máy tiêu hóa kém nên dùng các chất xơ trong cám, gạo lứt, bánh mì đen, rau câu, sương sâm...

Trở lại trường hợp cụ bà T.T.L., do dùng quá nhiều măng tre và rau muống, vốn rất nhiều sợi cellulose dài, không tan trong nước cộng thêm tuổi già, có bệnh đường tiêu hóa nên khối sợi xơ không tan trong nước này quyện vào nhau tạo thành “vật cản rắn”, gây tắc cả một đoạn ruột non.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.