3 lần chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (tổ 6, khu vực 5, P.Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) nộp đơn xin cho con học vào trường Tiểu học Ngô Quyền (P.Trần Quang Diệu) thì cả 3 lần đều bị từ chối. Hai vợ chồng chị Nhàn, anh Hùng đều là công nhân, chỉ có một đứa con là Nguyễn Mạnh Cường năm nay đã 11 tuổi, nhưng chỉ mới có thể nhập học lớp 2.
Để có được cơ hội cầm đơn đi xin cho con vào học hòa nhập ở trường công lập, từ nhiều năm qua, vợ chồng chị Nhàn đã nỗ lực vượt qua bao vất vả, gian truân trong việc chạy chữa bệnh tật mà đứa con duy nhất của họ chẳng may mắc phải. Lúc Cường hơn 3 tuổi, gia đình phát hiện em bị bệnh tự kỷ. Suốt ngày, cháu chỉ biết chơi với tờ giấy, hầu như không ý thức được gì và rất khó ngủ. Chị Nhàn ôm con vào TP.HCM chữa bệnh ròng rã suốt 3 năm liên tục, khi bệnh tình của con trai thuyên giảm mới trở về nhà. Tiếp đó, chị dẫn con đi xin vào học ở nhiều trường nhưng chẳng có nơi nào tiếp nhận.
Đầu tháng 8.2010, Thanh Niên đã phản ánh về trường hợp em Nguyễn Lê Duẩn, 17 tuổi, ở xã Nhơn Mỹ, H.An Nhơn (Bình Định), là người khuyết tật bị trường THPT Nguyễn Trường Tộ (H.An Nhơn) từ chối tiếp nhận vào học năm học 2009 - 2010 dù em này đủ điều kiện được tiếp tục học. Ngay sau đó, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, khẩn trương giải quyết và em Duẩn hiện đã được chính trường nói trên tiếp nhận vào lớp 10. |
Nói về quá trình đi nộp đơn xin học cho con, chị Nhàn đã bật khóc vì sự thiếu quan tâm của lãnh đạo trường Tiểu học Ngô Quyền. “Ba lần tôi lên gặp hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường xin thì đều bị từ chối với lý do “con chị khuyết tật thì vào trường khuyết tật”. Khi tôi nài nỉ xin và trình bày con của tôi đủ điều kiện học hòa nhập thì nhà trường nói: “Tuổi lớn không thể học lớp 2 được”. Xin vào trường Tiểu học Ngô Quyền là đúng tuyến mà còn quá khó khăn như vậy, thì tôi không biết xin cho con học ở đâu nữa”.
Theo quan sát của PV Thanh Niên, nhờ được tích cực chữa trị nên sức khỏe và tâm sinh lý của Cường hiện đã hồi phục khá tốt. Tuy có hơi khó khăn về giao tiếp, nhưng Cường đã tự ăn uống được, tự vệ sinh cá nhân, mỗi ngày tự đón xe buýt đi về (từ nhà đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm và ngược lại), có thể đạp xe đạp vững vàng đi dạo quanh khu dân cư, đặc biệt là làm Toán lớp 1 và lớp 2 rất nhanh.
Nguyện vọng của vợ chồng chị Nhàn là Cường được tiếp nhận vào học hòa nhập trong môi trường giáo dục công lập. Trên cơ sở này, con trai của họ sẽ có thêm nhiều hy vọng bình phục hoàn toàn và có cơ hội vào đời như bao em học sinh khác. Tiếc thay, nguyện vọng hết sức chính đáng ấy đang bị từ chối...
Đình Phú
Bình luận (0)