Cam go giám định tâm thần: Đấu trí với... “người điên”

14/08/2010 05:31 GMT+7

Không chỉ phải đấu trí căng thẳng với những đối tượng tội phạm hình sự luôn tìm mọi cách giả điên hòng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, các giám định viên còn luôn đối mặt với chuyện bị tấn công, mua chuộc.

Buổi giám định là cuộc nói chuyện gần một giờ giữa 4 người: 2 bác sĩ (BS) kiêm giám định viên (GĐV), một can phạm và một chiến sĩ công an. Câu chuyện lúc xoáy vào những biểu hiện ngơ ngẩn, bất thường của can phạm, lúc lại như cuộc trò chuyện giữa bạn bè với nhau về gia đình, cuộc sống, sở thích… “Mỗi câu hỏi dù xa hay gần cũng đều có tác dụng thẩm định tình trạng tâm thần của đối tượng.
 
Đôi khi, chính những câu hỏi tưởng chừng như ngoài lề lại khiến chúng tôi nắm bắt được các khoảnh khắc sơ hở của những kẻ giả điên hòng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật” - BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần (GĐPYTT) TPHCM, tiết lộ.

Vạch mặt gã Việt kiều buôn ma túy
 
BS Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM kiêm GĐV Trung tâm GĐPYTT TP, không thể quên ca giám định một Việt kiều có hành vi mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn. Nhiều GĐV của trung tâm đã phải vào cuộc.
 
“Ông ta giả bệnh tâm thần y như thật, cứ lên cơn động kinh, sùi bọt mép, ngơ ngơ ngác ngác...” - BS Trụ kể lại. Khi thấy BS Trụ cùng một GĐV khác có ý kiến trái chiều, một người không tin, người kia lại quả quyết tay Việt kiều bị tâm thần, gã càng cố ý tạo thêm những biểu hiện khác để chứng tỏ mình... điên! “Tay chân ông ta run rẩy, cơ hai bên hàm chuyển động… như người mất kiểm soát. Tuy nhiên, chính việc cố giả điên vì ngỡ một trong hai GĐV đã bị lừa lại khiến tay Việt kiều này lộ ra nhiều chỗ sơ hở” – BS Trụ cho biết.
 
Một trong những GĐV gạo cội của trung tâm - BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nguyên giám đốc Trung tâm GĐPYTT TP, cũng tham gia ca giám định này. “Khi đến gặp tôi, ông ta liên tục nói lảm nhảm, hỏi ở đây… có gì chơi không, miệng thì nhỏ nước dãi ướt cả áo” – BS Thắng kể. Tuy nhiên, sau vài câu chuyện lòng vòng cố ý của vị GĐV kỳ cựu, kẻ vận chuyển, mua bán ma túy đã hoàn toàn mất tập trung. Thậm chí, ông ta quên hẳn việc nhỏ nước dãi - một biểu hiện thường gặp ở người bệnh tâm thần do không tự kiểm soát được... 
 
Sau vài buổi đấu trí, các GĐV đã vạch được mặt gã Việt kiều giả điên này. Cuối cùng, dòng chữ “hoàn toàn bình thường” cũng được ghi vào hồ sơ bệnh án của gã.
 
Lợi dụng kiến thức
 
BS Vũ Đình Vương, một GĐV của Trung tâm GĐPYTT TPHCM, nhớ lại lần “đụng độ” với một can phạm cũng là… BS: “Chính những kiến thức về y khoa đã giúp ông ta dựng nên màn kịch giả điên gần như hoàn hảo”. BS này được đưa đi giám định sau khi bị bắt giữ vì hành hung một nhân viên bảo vệ tại bệnh viện ông ta công tác rồi dùng kim chích tấn công một dân phòng. Kết quả giám định tâm thần sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thẩm định năng lực hành vi của ông ta và liên quan trực tiếp đến bản án.
 
Các GĐV phải mất 2 buổi làm việc mới đưa ra được kết luận cuối cùng. Tay BS này luôn tỏ ra... điên, nói rất nhiều, lớn tiếng quát tháo... Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một BS tâm thần nhiều năm trong nghề (BS Vương là Phó Khoa A Bệnh viện Tâm thần TPHCM), ông đã tìm ra được những kẽ hở của tay BS kia. BS Vương giải thích: “Là BS nội khoa, không có chuyên môn sâu về tâm thần nên vở kịch của ông ta có nhiều chỗ hoàn toàn thiếu logic. Khi bị chúng tôi hỏi vòng vo về các triệu chứng bệnh, ông ta đã để lộ ra nhiều điểm bất hợp lý, những điều mà phải nắm thật vững kiến thức chuyên ngành tâm thần mới biết được. Vở kịch của ông ta vì thế phải hạ màn”.
 
BS Trịnh Tất Thắng cũng cho biết ông từng gặp nhiều trường hợp đã nghiên cứu kỹ các tài liệu về tâm thần để giả điên. “Khi giám định các đối tượng phạm tội, nhất là những tội nặng, chúng tôi thường gặp dạng này. Khi đó, tay nghề vững vàng và lương tâm nghề nghiệp là hai điều rất cần thiết ở GĐV. Vì trong nhiều ca, người được giám định sẽ dựng lên các màn kịch điên rất thật, thậm chí sẵn sàng “thỏa thuận” với GĐV nếu vở kịch bất thành” – BS Thắng nhận xét.

Hiểm nguy rình rập

Ngoài việc phải tiếp xúc với người bệnh tâm thần dễ bột phát những hành động thiếu kiềm chế, GĐV còn phải đối diện với nhiều mối nguy hiểm khi gặp kẻ giả điên.

BS Nguyễn Ngọc Quang tâm sự: “Nghề này buộc chúng tôi phải tiếp xúc với nhiều đối tượng nhiễm HIV có tiền án, tiền sự hoặc vừa phạm tội. Nếu đó là người tâm thần thật thì việc họ tấn công bất ngờ rất có thể xảy ra, còn nếu họ tâm thần giả, bị chúng tôi vạch mặt thì mối nguy hiểm cũng rất tiềm tàng. Việc bị đe dọa sau những cuộc đấu trí căng thẳng, vạch mặt những kẻ giả điên là điều khó tránh khỏi.

Còn những nguy hiểm khi đối mặt với người nhiễm HIV hay khả năng bị tấn công ngay tại bàn giám định... là điều chúng tôi phải chấp nhận khi muốn gắn bó với nghề. Vì thế, việc trang bị vốn kiến thức cần thiết để hiểu được tâm lý người được giám định, nhạy bén trong xử lý tình huống... là rất cần thiết”.

Trong những ca giám định cho đối tượng phạm pháp, bao giờ cũng phải có một chiến sĩ công an ngồi kèm, vừa để bảo đảm tính khách quan vừa để giữ an toàn cho môi trường giám định. BS Phạm Văn Trụ nhớ lại: “Một lần, tôi giám định một can phạm buôn bán ma túy số lượng lớn.

Khi màn kịch giả điên bất thành, vợ của ông ta không biết bằng cách nào đã tìm đến nhà tôi, đề nghị “trao đổi” để chồng cô ta có được giấy chứng nhận tâm thần phân liệt. Đương nhiên tôi không đồng ý và cô ta đã hầm hầm bỏ đi. Khi đó, tôi rất lo cho sự an toàn của gia đình nhưng cũng may là cô ta không có hành động nào khác”.

Giám định pháp y tâm thần là một thành phần của hệ thống tổ chức giám định tư pháp và là chuyên ngành khoa học nghiên cứu khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người bệnh tâm thần ở từng thời điểm nhất định hoặc trong suốt quá trình trị bệnh.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.