Thế nhưng trên các đài phát thanh, truyền hình, các phát thanh viên vẫn đang thoải mái đọc "o, rơ, gờ" (cho org), "mờ, u" (cho MU), "gờ 8" (cho G8)... Lẽ nào sửa sai khó thế sao? Cứ thế chẳng lẽ ta vẫn vô tư đọc GMT, GDP, BGI... là "gờ mờ tờ, gờ đờ bờ, bờ gờ i" sao? Thử đọc bảng hiệu "M & toi" là "mờ và toi" thì bao dụng công chơi chữ đều... toi cả!
Đó là báo nói, còn báo viết? Các phóng viên cũng hay đặt ra những từ mới tối nghĩa, dùng từ Hán - Việt không cần thiết và không đúng cách. Ví dụ: Đề cập tới đồ mặc bên trong, tiếng Việt có sẵn từ "đồ lót" rất rõ ràng, đủ nghĩa, thuần Việt, nhưng nhiều người vẫn sính từ Hán-Việt "nội y".
Rồi thì i ngắn y dài. Đã có người chơi "Chiếc nón kỳ diệu" mất thưởng vì đoán từ "bác sĩ" (trong khi đáp án là "bác sỹ"). Sao lại như thế nhỉ, khi viết "kẻ sĩ", "sĩ phu" ngắn cũng được thì các sĩ khác như "bác sĩ", "nghệ sĩ" cũng ngắn được chứ?
Tuy nhiên hiện nay, viết i hay y chỉ là thói quen, ai thích viết gì cứ viết, rất nên được thống nhất bằng một quy định chung của cấp thẩm quyền cao nhất.
Có những trường hợp dùng từ sai thật đáng tiếc và đáng trách! Xin được kể: một từ mà báo chí đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn mắc phải như từ cứu cánh, một số người vẫn dùng để chỉ điều gì đó (hoặc ai đó, vật gì đó...) giúp mình thoát khỏi tình huống khó khăn (hoặc nguy hiểm, ngặt nghèo...). Những người này chắc hiểu: cứu là giúp, giải thoát; cánh sẽ giúp bay lên... Trời ạ! Không phải đâu! Tra bất cứ từ điển tiếng Việt nào, ta sẽ dễ dàng thấy cứu cánh có nghĩa là mục đích sau cùng. Từ khác cũng hay được dùng sai là vị tha. Nhiều người dùng vị tha để chỉ đức tính dễ tha thứ (rõ ràng họ đã "hiểu" tha là tha thứ). Thật ra đây là từ Hán - Việt nghĩa rất rõ ràng là vì người khác (vị là vì; tha là người khác), trái ngược với vị kỷ là chỉ vì mình.
Nguyễn Chí Anh
Bình luận (0)