Đi tắt tới đỉnh cao...
Những nhà làm phim Trung Quốc không hề giấu giếm tham vọng thay đổi tầm vóc điện ảnh nước nhà. Đầu năm nay, có tin đồn rằng một công ty của Trung Quốc có tên trong danh sách ứng viên chạy đua mua Miramax, một công ty con của hãng Disney. Disney xác nhận việc muốn nhượng lại Miramax nhưng không rõ liệu có đối tác nào của Trung Quốc tham gia thương vụ này hay không. Nói về sự kiện này, Ben Ji, Chủ tịch Angel Wings Entertainment - tập đoàn sản xuất và tài trợ sản xuất phim có trụ sở tại Bắc Kinh - khẳng định một công ty được chính quyền một địa phương Trung Quốc hỗ trợ đã tham gia thương vụ trên.
Là người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh trong 20 năm qua, đồng thời cũng là nhà phân phối phim của nhà sản xuất Warner Brothers (Mỹ) tại thị trường Trung Quốc như Matrix hay Troy, ông Ben lạc quan vào viễn cảnh: “Sớm muộn các công ty Trung Quốc sẽ có được một phần của chiếc bánh Hollywood”. Vị chủ tịch này tin vào viễn cảnh sẽ thành sự thật bởi Trung Quốc có tiền và cần một thị trường lớn hơn, trong khi Hollywood có truyền thống về thu hút vốn nước ngoài và lách luật sở hữu truyền thông nghiêm ngặt. Nếu thực hiện được điều này, đây sẽ là lối đi tắt đưa tên tuổi điện ảnh Trung Quốc lên tầm cao mới. Theo đó, các hãng sản xuất phim lâu năm, danh tiếng của Hollywood sẽ trở thành nơi đưa phim Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc bao phủ toàn cầu như cách những bộ phim của Hollywood đang làm hiện nay.
|
Nhưng không ít chông gai
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc mua các hãng sản xuất phim của Hollywood nằm ngoài khả năng của các công ty tư nhân Trung Quốc. Ví dụ như Metro-Goldwyn-Mayer, cuối năm tới, bất cứ ai muốn mua lại hãng này phải chi từ 4-4,5 tỷ USD để thanh toán khoản nợ của hãng này rồi mới có thể trở thành chủ sở hữu của hãng. Theo Yin Hong, Giáo sư nghiên cứu về điện ảnh và truyền hình tại Đại học Tsinghua (Trung Quốc), các công ty giải trí của Trung Quốc không đủ tiềm lực kinh tế để đeo đuổi các nhà sản xuất lớn của Hollywood. “Họ nên tập trung vào các công ty có quy mô nhỏ hơn và độc lập”, Giáo sư Yin nói.
Ông Ben cũng thống nhất với quan điểm của giáo sư Yin bởi 6 hãng phim chính của Hollywood không đơn thuần chỉ là các nhà sản xuất phim. Một số hãng này là tổ hợp của các tập đoàn truyền thông với số vốn khổng lồ. Vì vậy, việc mua các hãng này là cả một quá trình phức tạp liên quan đến chuyển nhượng cổ phần và quy định sở hữu của Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ. “Vào thời điểm hiện nay, điều này không thực tế”, ông Ben nhận định.
Nhưng việc mua các công ty nhỏ, độc lập cũng không phải là chuyện đơn giản. Điểm quan trọng khi tiến hành mua các công ty quy mô nhỏ của Hollywood, phải xác định được giá trị lớn nhất của công ty nhắm tới là gì: thương hiệu, các kênh phân phối hay khả năng sáng tạo. Ngoài ra, cần chú ý là không được vội vàng định hình công ty điện ảnh là nhà quảng bá văn hóa Trung Quốc. Điều này sẽ khiến công chúng Mỹ giận dữ và có thể dẫn đến thương hiệu công ty bị diệt vong. Bài học này thấy rõ qua thương vụ Sony mua Columbia năm 1989. Khi đó, dư luận cho rằng thỏa thuận sẽ làm mất bản sắc Mỹ. Tuy nhiên, Sony đã hạ nhiệt những cái đầu nóng bằng cách vận hành Columbia theo kiểu của công ty thuần Mỹ và tránh sử dụng Columbia vào việc quảng bá Nhật Bản.
Một số hãng phim Trung Quốc thời gian gần đây đã khẳng định được tên tuổi của mình. Tập đoàn phim Trung Quốc đầu tư 5 triệu USD để cùng Sony Pictures đồng sản xuất tác phẩm điện ảnh ăn khách Karate Kid. Huayi Brothers, một công ty truyền thông tư nhân lớn nhất Trung Quốc, sau 4 năm hình thành và phát triển đã ghi dấu ấn của mình với 2 bộ phim The Forbidden Kingdom (Vua Kungfu) với diễn xuất của 2 ngôi sao võ thuật Thành Long và Lý Liên Kiệt và Shanghai (Thượng Hải).
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)