GS Ngô Bảo Châu: Sẵn sàng về VN 3 tháng mỗi năm

16/08/2010 00:18 GMT+7

Vừa đến Ấn Độ để tham dự Đại hội Toán học quốc tế (ICM) 2010, giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu (ảnh) đã dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn nhanh về nhiều vấn đề, trong đó có việc phát triển toán học ở VN.

* Xin hỏi GS đến ICM 2010 với tư cách là một nhà khoa học VN, hay là thành viên của một tổ chức khoa học đóng tại Mỹ?

- Thông thường trong các hoạt động khoa học, người ta mời anh theo tư cách cá nhân, do họ quan tâm đến công trình của anh, chứ không liên quan gì đến vị trí làm việc hay quốc tịch.

* Tại ICM 2010, GS sẽ là một trong những diễn giả chính tại phiên toàn thể, vậy GS sẽ trình bày vấn đề gì trong vai trò này?

- Báo cáo của tôi có tính chất tổng quan về chương trình Langlands, nêu một số tiến bộ quan trọng trong thời gian gần đây, trong đó có chứng minh Bổ đề cơ bản của Langlands.

* Sự hiện diện của GS tại ICM 2010 sau những thành công lớn trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là việc chứng minh Bổ đề cơ bản, sẽ có tác động truyền cảm hứng như thế nào đối với toán học tại VN -  với cả người học, người nghiên cứu, giảng dạy và người hoạch định chính sách?

- Tôi hy vọng thành công này sẽ đem đến một chút niềm tin cho các bạn trẻ VN đã dấn thân vào con đường khoa học. Tôi cũng hy vọng rằng sau sự kiện này, những người hoạch định chính sách sẽ lắng nghe ý kiến của cá nhân tôi, và của các nhà khoa học có tâm huyết nhiều hơn. Tôi không tin vào sự thay đổi của hiện trạng khoa học và giảng dạy đại học trong một thời gian ngắn. Nhưng tôi tin chúng ta có thể cần mẫn gieo mầm để có một sự thay đổi sâu sắc sau này.

* Vừa qua, GS đã nhận được nhiều lời mời từ VN, GS có tin rằng đấy là dấu hiệu của những chuyển động tích cực trong tư duy và thái độ đối với khoa học của các tổ chức và của chính quyền?

- Phải ghi nhận một số chuyển biến tích cực trong việc Nhà nước hoạch định chính sách khoa học, đặc biệt là sự ra đời của quỹ Nafosted. Thực ra, không chỉ có các cơ quan công quyền cần thay đổi tư duy và thái độ đối với nghiên cứu khoa học mà cả các nhà khoa học đang nắm vị trí chủ chốt ở các trường đại học cũng vậy. Hy vọng đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhận ra rằng nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ hàng đầu của các trường đại học lớn.

* Trong lần trả lời phỏng vấn trước đây, GS có nói một ý mà tôi rất tâm đắc: một nhà khoa học chuyên nghiệp phải đặt câu hỏi làm khoa học thế nào cho giỏi trước câu hỏi làm ở đâu. Vậy GS đón nhận những lời mời vừa qua như thế nào, hay cụ thể hơn thì GS nghĩ hình thức làm việc nào sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho cả nền khoa học VN, thế giới và bản thân mình?

- Tôi sẽ làm việc phần nhiều thời gian ở Chicago, vì ở đó là môi trường thuận lợi nhất để tôi làm toán. Nếu Viện đào tạo và nghiên cứu cao cấp về toán được thành lập, tôi có kế hoạch sẽ về Hà Nội khoảng 3 tháng mỗi năm để tham gia vào công việc của viện.

Đỗ Hùng
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.