Phan Huyền Thư và phim một phút

16/08/2010 22:47 GMT+7

Chỉ một phút ngắn ngủi nhưng có thể lay động lòng người...", đó là chia sẻ của nhà thơ Phan Huyền Thư về chương trình truyền hình Một phút có trong sự thật do cô làm tổng đạo diễn.

Một phút có trong sự thật là series phim tài liệu một phút, phát sóng mỗi ngày 1 phim lúc 18 giờ 53 trên VTV1 từ thứ hai đến thứ sáu, bắt đầu từ cuối tháng 7. Phim chỉ sử dụng phụ đề trên nền âm nhạc và không có lời bình. Những câu chuyện trong Một phút có trong sự thật khá gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mọi người. Đó là những hài nhân bị mẹ nạo bỏ, là cuộc đời của những bệnh nhân chạy thận, những đứa trẻ thất học, những giấc mơ mái ấm gia đình của trẻ mồ côi... Đạo diễn Phan Huyền Thư đã chia sẻ về dự án khá táo bạo này của mình.

* Một phút, nghe có vẻ ngắn gọn nhưng một năm phát sóng (5 ngày trong tuần) cũng cần đến 240 phim ngắn. Như vậy cần phải cần đến ngần ấy đề tài. Chị có cảm thấy áp lực trong việc chọn đề tài hay không? 

- Tôi thấy chẳng có gì khó khăn ở đây cả. Đa phần là những cảnh phim, những nhân vật của các đồng nghiệp trong nhiều bộ phim khác nhau của họ... khiến tôi muốn tái hiện câu chuyện và đặt vào đúng bối cảnh mà nó tồn tại thực ngoài đời sống. Đó chính là lý do tại sao tôi không "ép" lời bình vào phim và chỉ lựa chọn những đoạn tự sự hoặc hồi ức của nhân vật. Tính chất "tự biểu hiện" của âm thanh, hình ảnh là điều mà tôi quan tâm nhất. Ở loạt phim này, cái nhìn của người làm phim chỉ khác cái nhìn của một chiếc máy ghi hình ở chỗ có kèm theo một chút tư duy. Cuộc sống là kịch bản vĩ đại nhất, chất liệu vô tận nhất. Một ngày chúng ta có 1.440  phút và tất cả đều có trong sự thật đấy chứ?

* Làm tổng đạo diễn cho dự án này không phải là chuyện đơn giản, nhất là với một người nữ?


Đạo diễn Phan Huyền Thư

- Vai trò tổng đạo diễn ở đây cần được hiểu là người chịu trách nhiệm một cách tổng thể. Tôi sử dụng tư liệu của các đồng nghiệp, của chính mình trong quá trình thực hiện những bộ phim tài liệu suốt hơn mười năm qua. Tôi có những câu chuyện muốn kể lại, những nhân vật muốn vẽ lại chân dung, những khoảnh khắc muốn tạo dựng lại cảm xúc thay vì xóa hết những băng quay nháp hoặc cất vào kho lưu trữ. Tôi muốn lôi kéo khán giả đến với thể loại phim tài liệu đang dần bị quên lãng trong thói quen thưởng thức của khán giả, nhất là trong thời đại multimedia như hiện nay.

* Muốn lôi kéo khán giả thì phải để họ nhập cuộc...

- Sau khi phát sóng một thời gian, chương trình sẽ huy động khán giả tham gia bằng cách đóng góp video clip cho chương trình, lập website Một phút có trong sự thật. Tất cả mọi người đều có thể kể câu chuyện của mình với chất liệu sẵn có là sự thật trong cuộc sống.

* Chị đã thực hiện đến phim thứ bao nhiêu?

- Hiện nay chúng tôi đã thực hiện khoảng 90 phim và đã được nghiệm thu phát sóng 30 phim.

* Làm thơ cần sự bay bổng, làm phim tài liệu cần sự tỉnh táo. Chị dung hòa con người thơ ca và thực tế này như thế nào?

- Tôi đã bao giờ dung hòa được đâu! Lúc nào chẳng bất an, hy vọng, ngộ nhận, ảo tưởng và đổ vỡ... Thế thì tôi mới tiếp tục làm thơ và làm phim được chứ!

* Mỗi ngày 1 phút, dù sao cũng là tín hiệu vui cho những người làm phim tài liệu. Chị có hy vọng vào sự phát triển của thể loại này?

- Tất cả những gì tôi có thể làm với Một phút có trong sự thật cũng chính là cái cớ để lôi kéo khán giả đến với thể loại phim tài liệu mà tôi say mê. Tôi làm điều này vì chính  sự nghiệp của tôi, vì các đồng nghiệp điện ảnh tài liệu yêu quý, vì cuộc sống luôn vận động không ngừng xung quanh chúng ta, vì những điều tốt đẹp đáng được đề cao trong xã hội.

Nguyễn Trâm Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.