Dệt may - “Làm giá” được không?

17/08/2010 04:12 GMT+7

Thị trường xuất khẩu hàng dệt may đang thuận lợi, đơn hàng sản xuất tăng trưởng dương không chỉ góp phần đưa xuất khẩu dệt may về đích 10,5 tỷ USD trong năm nay, mà nhiều khả năng doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam cũng có lợi thế trong đàm phán tăng giá bán với nhà nhập khẩu (NNK).

DN Việt Nam “có giá”

Thời gian giao hàng đang là áp lực lớn đối với nhiều NNK hàng may mặc nước ngoài. Sự biến động của thị trường sản xuất đã làm nhiều NNK phải rút đơn hàng ở các nước châu Á khác, chạy sang cậy nhờ DN Việt Nam sản xuất. Nhiều DN dệt may lớn của Việt Nam không chỉ lo đơn hàng của đối tác thân quen mà còn làm thêm đơn hàng cho khách hàng mới. Giá nhân công tại Việt Nam hiện cao hơn các nước sản xuất hàng dệt may trong khu vực như Bangladesh, Campuchia, Myanmar.

Dù vậy, các NNK vẫn muốn tìm đến đặt hàng DN dệt may Việt Nam vì bề dày kinh nghiệm trong sản xuất, xuất khẩu. Trình độ quản lý của DN cũng như tay nghề của công nhân Việt Nam hiện nay tốt hơn nhiều nước và làm ra sản phẩm có chất lượng, buộc NNK sẵn sàng trả giá cao hơn. Đơn cử, Công ty CP May Sài Gòn 3 hiện được NNK của nhãn hàng Uniqlo (Nhật Bản) lựa chọn. Việc khẳng định uy tín với một NNK khó tính, luôn phải đảm bảo về chất lượng như Uniqlo đã giúp Sài Gòn 3 có nhiều lợi thế tại thị trường Nhật Bản. Hiện nay, 60% đơn hàng sản xuất của Sài Gòn 3 được xuất khẩu sang Nhật, sau khi thu hút thêm nhiều NNK khác của Nhật.

Nhiều DN dệt may cho biết, giá bán hàng dệt may hiện tăng 10% - 20% so với cùng kỳ năm 2009. Trong 7 tháng qua, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu tăng trưởng ổn định, có thể vượt mục tiêu kim ngạch 10,5 tỷ USD trong năm 2010. Ngoại trừ thị trường EU phục hồi chậm, tăng trưởng thấp, còn lại các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật đều đạt tăng trưởng cao, gia tăng thị phần xuất khẩu. Nhờ các hiệp định thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc mà xuất khẩu dệt may vào các thị trường này tăng cao, trong đó thị trường Hàn Quốc tăng trưởng 80%, Nhật 15%.

Trước đây, hàng dệt may nhập vào Nhật theo kiểu “Trung Quốc + 1” với hàng Trung Quốc chiếm 90%, còn lại 10% từ các nước khác. Tận dụng lợi thế của hiệp định thương mại, các DN dệt may Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng thị phần xuất khẩu vào đây. Dự báo, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Nhật sẽ tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay.

Dự báo đúng để làm đúng giá

Thị trường tốt, đơn hàng dư thừa nhưng năng lực sản xuất của DN dệt may Việt Nam hiện có hạn - không phải ở nhà xưởng, máy móc mà do lực lượng lao động. Việc đàm phán tăng giá đối với NNK cũng để đáp ứng tốt cho đời sống người lao động. DN muốn tăng ca và năng suất buộc phải có chế độ cho người lao động. Đây là cơ sở để các DN dệt may Việt Nam “làm giá” với NNK, lựa chọn đơn hàng tốt nhất để làm, không bị NNK ép giá như trước. Chính uy tín và chất lượng đã tạo nên lợi thế cho DN Việt Nam. Hiện nay, xu thế các NNK làm thương mại đang giảm dần - thay vào đó, các nhà bán lẻ trực tiếp làm việc với DN. Nhờ vậy, giá bán sản phẩm của DN Việt Nam ngày càng tốt hơn.

Dù vậy, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khuyến cáo các DN dệt may Việt Nam phải dự báo được tình hình thị trường để đưa ra mức giá hợp lý trong đàm phán với NNK. Đến thời điểm hiện nay, nhiều DN cho biết đã ký nhiều đơn hàng sản xuất cho đối tác trong năm 2011. Trên thực tế, việc có đơn hàng ổn định trước là có lợi cho DN, tuy nhiên, đó có thể là một thua thiệt vì xu hướng giá nguyên liệu đầu vào, giá bán, gia công hiện nay và cả trong thời gian tới đang tăng lên.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.