Những siêu dự án... ảo

17/08/2010 23:03 GMT+7

Ngoài siêu dự án tại khu kinh tế Định An với tổng vốn 4,5 tỉ USD mà Thanh Niên đã thông tin, tại Trà Vinh, các cơ quan chức năng còn phát hiện 6 nhà đầu tư với nguồn vốn ảo lên đến 4,5 tỉ USD và trên 250 tỉ đồng.

Là một tỉnh nghèo ở ĐBSCL, trong các năm qua, Trà Vinh luôn tìm cách thu hút các nhà đầu tư có nguồn vốn lớn để đầu tư vào các lĩnh vực phát triển đô thị, xây dựng cụm công nghiệp, cơ sở hạ tầng cầu, cảng… nhằm đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng. Biết được nhu cầu này, nhiều nhà đầu tư "dỏm" đã khoe khoang có nguồn vốn lên đến hàng tỉ USD để xin dự án, nhưng khi bị phát hiện vốn ảo thì dự án cũng tan hoang.

Hai công ty xài 1 phiếu hẹn trả 1 tỉ USD... giả

Công ty cổ phần Hà Vinh (tọa lạc số 320A, khóm 10, phường 7, TX Trà Vinh) được Sở KH-ĐT tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 19.12.2003, với số vốn đăng ký 6 tỉ đồng, kinh doanh các ngành nghề sản xuất, xuất nhập khẩu các sản phẩm từ plastic, gốm sứ, vật liệu xây dựng; nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản; sản xuất thức ăn nuôi thủy sản…

Vào thời điểm sau khi ông Nguyễn Ngọc Thành "rút" khỏi Bến Tre, nhiều người cho biết ông còn nợ tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, lương công nhân… trên 1,1 tỉ đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng xác minh ông Thành còn "ôm" theo 6 giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà các hộ dân ở ấp Tân Thiềng, xã An Hội (H.Mang Thít, Vĩnh Long) đã giao cho Thành nhờ làm thủ tục vay tiền sản xuất…

Ngày 21.11.2006, ông Lã Quốc Toàn (quê Nam Định), Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Hà Vinh, có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị cho công ty đầu tư vào các siêu dự án, như khu tái định cư 120 ha (phường 9, TX Trà Vinh), lộ vành đai TX Trà Vinh... với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Để chứng minh năng lực tài chính, ông Toàn xuất trình Phiếu hẹn trả tiền mệnh giá 1 tỉ USD.

Sau khi nhận hồ sơ của Công ty Hà Vinh, các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh nhờ Ngân hàng Ngoại thương VN liên hệ các ngân hàng nước ngoài, trong đó có Ngân hàng Union Bank of Switzerland và Cục dự trữ Liên bang Mỹ, xác minh Phiếu hẹn trả tiền mệnh giá 1 tỉ USD (số seri: AQ-83871189, phát hành ngày 22.11.2004) và được các cơ quan này xác định là giả mạo.

Trong lúc các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh đang tiến hành xác minh năng lực tài chính và tờ phiếu hẹn trả tiền trên của Công ty Hà Vinh thì bất ngờ ngày 11.12.2006, Công ty TNHH VT-ĐT-XD-XNK-kinh doanh vàng Thanh Toàn (gọi tắt là Công ty Thanh Toàn, có địa chỉ tại TP.HCM, do ông Nguyễn Trung Nghĩa làm đại diện) gửi 2 văn bản đến UBND tỉnh Trà Vinh xin đầu tư vào các dự án xây dựng cầu Cổ Chiên, cảng thương mại, đường vành đai, khu đô thị phía Tây và hai bệnh viện đa khoa tại huyện Tiểu Cần và Cầu Ngang; đồng thời chứng minh năng lực tài chính của công ty cũng bằng Phiếu hẹn trả tiền có mệnh giá 1 tỉ USD (!?).

 
Phiếu hẹn trả tiền có mệnh giá 1 tỉ USD của Công ty Thanh Toàn và Hà Vinh - Ảnh: M.Trâm

Điều khiến các nhà thẩm định đầu tư tỉnh Trà Vinh vô cùng ngạc nhiên là phiếu hẹn trả tiền mà Công ty Thanh Toàn đưa ra giống y chang tờ phiếu của Công ty Hà Vinh (cùng mệnh giá 1 tỉ USD, cùng số seri: AQ-83871189, cũng do Union Bank of Switzerland phát hành ngày 22.11.2004). Tất nhiên, vốn ảo thì dự án cũng tan như bọt biển!

Dùng giấy nhận nợ giả làm vốn đầu tư

Cuối năm 2006, Sở KH-ĐT Trà Vinh  nhận được tờ trình của bà Cao Thị Khuyên, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH Xuân Khánh (địa chỉ 12 Lý Thường Kiệt, P.4, TX Trà Vinh) xin UBND tỉnh Trà Vinh cho phép đầu tư dự án xây dựng Nhà máy chế biến bột cá tại Cụm công nghiệp Trà Cú, với vốn đầu tư trên 93 tỉ đồng. Bà Khuyên thể hiện năng lực tài chính của mình bằng một giấy nhận nợ với số tiền 1 tỉ USD của ông Soleh, quốc tịch Indonesia.

Ngành chức năng xác minh, phát hiện bà Khuyên có dấu hiệu giả mạo giấy tờ và có quan hệ với đối tượng lừa đảo trong một vụ án khác. Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện bà Khuyên còn là Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Phương Uyên (trụ sở số 3 khu phố 2, phường Phước Long B, Q.9, TP.HCM) và đứng ra thành lập một số công ty khác tại các tỉnh Long An, Phú Yên.

Xác minh tờ giấy nhận nợ 1 tỉ USD có số seri 00166/MS/HSBC/05 của Ngân hàng HSBC phát hành, thì được Chi nhánh của HSBC tại TP.HCM khẳng định đó là văn bản giả mạo. Các  cơ quan chức năng của Bộ Công an cũng xác nhận chưa từng có người nào tên Soleh, quốc tịch Indonesia, hộ chiếu N426128 nhập cảnh vào VN như bà Khuyên cho biết.

Ngoài việc đem giấy nhận nợ 1 tỉ USD trên để làm vốn xin đầu tư vào các dự án tại Trà Vinh, bà Khuyên còn sử dụng giấy ghi nợ 1 tỉ USD để xin đầu tư dự án khu du lịch Rừng Dương ven biển và đầm Ô Loan tại huyện Tuy An (Phú Yên), với diện tích là 1.670 ha, vốn đầu tư 90 triệu USD. Ngày 23.10.2006, Sở KH-ĐT và các cơ quan liên quan của tỉnh Phú Yên có buổi làm việc với Công ty cổ phần Phương Uyên, với sự có mặt của bà Khuyên và bà Võ Thụy Ái Khanh (với tư cách là chuyên viên của Công ty Phương Uyên). Sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên phát hiện Võ Thụy Ái Khanh là một trong những đối tượng có hành vi lừa đảo một số cá nhân và doanh nghiệp thông qua các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương khác...

Đem vốn ảo đầu tư qua 4 tỉnh

Trong thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh cũng đã phát hiện sự bất minh của Công ty TNHH xuất nhập khẩu - thương mại - xây dựng Hà Thành (trụ sở số 77A Trung tâm thương mại Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ, do ông Nguyễn Ngọc Thành làm giám đốc, kinh doanh đa ngành nghề. Mặc dù vốn đăng ký chỉ có 15 tỉ đồng nhưng ngày 18.1.2006, ông Thành đại diện cho Công ty Hà Thành có công văn số 053/CV-HT gửi UBND tỉnh Trà Vinh xin chủ trương đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên, cầu Đại Ngãi, QL60, bến cảng Trà Vinh - tàu vận tải 25 ngàn tấn với tổng số vốn đầu tư dự kiến 1,5 tỉ USD!

Để chứng minh năng lực tài chính, đi đâu ông Thành cũng khoe đã đàm phán với các công ty nước ngoài về việc cấp vốn cho dự án của Công ty Hà Thành và trưng ra một văn bản phúc đáp không có dấu pháp lý của các đối tác nước ngoài với nội dung là những lời hứa hẹn tốt đẹp để cấp vốn cho Công ty Hà Thành.

Qua xác minh, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh xác định Công ty Hà Thành không có năng lực tài chính thực sự để thực hiện dự án nên đã quyết định rút giấy phép đầu tư.

Trước đó, công ty này được UBND tỉnh Hậu Giang chấp thuận cho đầu tư dự án xây dựng 200 ha tại Cụm công nghiệp Sông Hậu, nhưng khi yêu cầu bổ sung thêm những giấy tờ cần thiết thì ông Thành không đáp ứng được nên bị rút giấy phép.

Trước đó nữa, vào cuối năm 2004, UBND tỉnh Bến Tre đã chấp thuận cho Công ty Hà Thành đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh (số vốn 80 tỉ đồng) và dự án đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp - khu dân cư Bình Phú (số vốn 105 tỉ), cùng nhiều dự án khác với tổng số vốn đầu tư lên đến 3.483 tỉ đồng. Thế nhưng, do không chứng minh được năng lực tài chính nên đến cuối năm 2005, UBND tỉnh Bến Tre đã ra quyết định thu hồi các chủ trương cấp phép đối với Công ty Hà Thành…

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.