Trong số tài liệu giải mật của Bộ Quốc phòng Anh (MoD) mới nhất về hiện tượng UFO – gọi nôm na là “đĩa bay” – có một lá thư đề ngày 27-6-1997 của một người không được nêu tên ở thị trấn Faversham, hạt Kent, gửi cho Thủ tướng Tony Blair.
Tác giả lá thư muốn biết ý kiến và quan điểm riêng của ông Blair về hiện tượng “đĩa bay”. Lá thư viết: “Ngài có thể khẳng định rằng Chính phủ Anh trước đây và chính phủ các nước Mỹ, Liên Xô cũng như các nước châu Á thường hay che giấu sự thật về những vụ việc liên quan đến “đĩa bay”.
“Ngài cũng có thể khẳng định hay không rằng các chương trình truyền hình đề cập hiện tượng siêu nhiên như X-Files, Star Trek, Babylon 5, Chuyện lạ có thật... hay các bộ phim truyện khoa học viễn tưởng như Ngày độc lập, Sao hỏa tấn công và Những người mặc áo đen là một chiến lược của các chính phủ phương Tây nhằm chuẩn bị dư luận chấp nhận một sự thật, theo đó, chúng ta từng tiếp xúc với người ngoài hành tinh?”.
Tất nhiên, ông Blair không dại gì đích thân trả lời một vấn đề tế nhị như thế. Ông chuyển lá thư qua MoD. Câu trả lời của MoD là “không có bằng chứng” cho thấy có người ngoài hành tinh.
Câu chuyện “không có bằng chứng” là quan điểm bất di bất dịch của MoD từ đầu thập niên 1950. Năm 1945, ông Winston Churchill thuộc Đảng Bảo thủ thất cử nhường chức thủ tướng cho lãnh tụ Công Đảng Clement Attlee.
Sáu năm sau, Đảng Bảo thủ thắng lớn, ông Churchill trở lại cầm quyền. Giữa hai thời điểm đó, có một loạt sự kiện UFO ở Mỹ mà nổi tiếng nhất là sự kiện Roswell xảy ra năm 1947. Từ “đĩa bay” cũng ra đời từ thời điểm đó.
Thủ tướng Churchill tỏ ra quan tâm ngay đến vấn đề này. Ngày 28-7-1952, tức 10 tháng sau khi ông trở lại cầm quyền, ông Churchill gửi một lá thư đến quốc vụ khanh đặc trách không quân yêu cầu trả lời một loạt câu hỏi của ông như sau: “Chuyện ầm ĩ về đĩa bay là như thế nào? Nó có ý nghĩa gì? Sự thật như thế nào? Hãy báo cáo cho tôi biết ngay”. (Lá thư này chỉ mới được công bố hồi đầu năm 2010).
Mười ngày sau, Không quân Hoàng gia Anh (RAF) có thư phúc đáp giải thích các sự kiện UFO như sau:
- Hiện tượng thiên văn hoặc thời tiết.
- Nhầm lẫn với máy bay, khinh khí cầu...
- Ảo giác tâm lý.
- Chuyện dựng đứng hoàn toàn.
Từ đó về sau, quan điểm của RAF cũng như của MoD vẫn không thay đổi.
Giải cứu nhà cá cược
Cũng trong số hồ sơ giải mật đăng tải trên trang web của Văn khố Quốc gia Anh (www.nationalarchives.gov.uk, xem tự do từ ngày 5-8-2010 đến 3-9-2010. Sau đó, muốn xem phải trả vài bảng Anh), có lá thư của một người đàn ông ở thị trấn Beeston, hạt Leeds, gửi Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao, yêu cầu cung cấp bằng chứng cho thấy có sự tồn tại của người ngoài hành tinh. Nói cách khác, ông muốn chính quyền can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa ông và một công ty cá cược.
Đối với tác giả lá thư, bằng chứng đó rất quan trọng vì Công ty Cá cược Ladbrokes không chịu trả tiền gói cá cược mà ông đã đặt mua ở chi nhánh Lower Briggate của Ladbrokes, làm ông mất oan 17.000 bảng Anh (51,307 triệu đồng).
Gói cá cược bao gồm hai phần:
- Đội tuyển Đức sẽ đoạt chức vô địch World Cup 1990. Phần này ông mua với giá 2 bảng, với tỉ lệ 1 ăn 6.
- Ông dùng 12 bảng tiền thắng cộng 3 bảng mà ông mua thêm để cá cược rằng trước ngày 31-12-1999 kết thúc thiên niên kỷ 2000, sẽ tìm thấy người ngoài hành tinh (sống hoặc chết) trên trái đất. Tỉ lệ cá cược là 1 ăn 100.
Kết quả, tác giả - tên tuổi đã bị kiểm duyệt - đoán trúng phóc phần một. Ông này cũng cho rằng trúng luôn phần hai nhưng Công ty Ladbrokes đã xù không chịu trả 1.700 bảng với lý do “Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ xác nhận có người ngoài hành tinh xuất hiện trên trái đất dù sống hay chết”.
|
Người cá cược không chấp nhận lời giải thích của nhà cái Ladbrokes. Theo ông - một người hâm mộ “đĩa bay” và tuyệt đối tin tưởng rằng có người ngoài hành tinh xuất hiện trên trái đất – nhà cái đã thua bởi ông đã đọc tất cả 19 quyển sách ở thư viện trung ương hạt Leeds viết về sự kiện Roswell nổi tiếng mô tả một chiếc phi thuyền của người ngoài hành tinh rớt xuống Roswell ở bang New Mexico, Mỹ, tháng 7-1947. Thậm chí, người ta còn thu được xác người ngoài hành tinh.
Lá thư của ông có đoạn viết: “Tôi cá cược dựa trên những sự kiện có thật. Ladbrokes núp đằng sau luận điệu tuyên truyền của chính phủ cho rằng nếu tiết lộ thì dân chúng hoang mang, lòng người nao núng. Tôi đồng ý với quan điểm của chính phủ. Tôi không muốn làm rùm beng chuyện này trên báo, đài. Nhưng nhà cái phải chung tiền bởi tôi là người thắng cược”.
Cuối cùng, tác giả đã cầu cứu đến Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao. Bộ này chuyển lá thư đến MoD. Trung thành với đường lối của chính phủ, ngày 23-7-1999, MoD gửi thư phúc đáp rằng: “Mặc dù rất “phóng khoáng” về vấn đề sự sống ngoài hành tinh, bộ rất tiếc phải nói rằng chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có sự tồn tại của một dạng sự sống như thế. Do đó, bộ không thể ủng hộ quan điểm của ông”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)