* Thưa ông, vừa qua sau khi Bộ Y tế đề xuất tăng viện phí, nhiều ý kiến chuyên gia và dư luận xã hội đều cho rằng không nên tăng quá cao, gây “sốc” cho người dân. Bộ Y tế có tiếp thu để xem xét đề xuất điều chỉnh giảm khung viện phí so với khung dự kiến ban đầu không?
- Bộ Y tế đang tổng hợp lại ý kiến của các bệnh viện (BV), của các đơn vị, địa phương, trên cơ sở đó sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất ra mức cụ thể. Bản xin ý kiến các đơn vị ban đầu là bản dự thảo, sẽ có điều chỉnh trên cơ sở phù hợp nhất sau khi Bộ Y tế lập hội đồng thẩm định. Ngay từ đầu, Bộ đã có kế hoạch thành lập hội đồng thẩm định gồm các giáo sư, bác sĩ đầu ngành để xem quy trình bệnh này, dịch vụ kia như thế nào, chi phí như thế nào thì hợp lý nhất... rồi sẽ có điều chỉnh cho phù hợp.
* Cho rằng chi phí khám, chữa bệnh hiện tại không đủ trang trải liệu đã phù hợp khi đã có ngân sách chi trả nữa rồi, thưa ông?
- Ngân sách chỉ đủ trả tiền lương, nhiều nơi còn chưa đủ tiền lương cho cán bộ y tế, còn toàn bộ tiền xăng, tiền điện, tiền nước, bông băng, cồn, gạc... BV chi rất nhiều. Bây giờ còn tiền xử lý chất thải nữa, Bộ Y tế tính bình quân ra cũng phải hơn chục nghìn một giường bệnh, nên bắt buộc phải tăng tiền khám bệnh và tiền ngày giường điều trị lên.
* Theo như ban đầu khi công bố đề xuất dự kiến khung viện phí mới của Bộ Y tế thì việc tăng viện phí lần này không hy vọng giải quyết được tình trạng phí ngầm cũng như không đi kèm với tăng chất lượng KCB. Liệu quan điểm đó có được điều chỉnh theo việc tiếp thu ý kiến phản biện của người dân vừa qua hay không, thưa ông?
- Tăng chất lượng KCB thì ngành y tế đang triển khai nhiều biện pháp như tăng cường chất lượng đào tạo nhân lực, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chỉ đạo các BV đầu tư nâng cấp theo quyết định của Bộ Y tế... thì trên cơ sở đó các buồng bệnh sẽ khang trang hơn; rồi triển khai một số vấn đề liên quan đến y đức... Chúng tôi nghĩ rằng triển khai đồng loạt các vấn đề trên thì chất lượng dịch vụ KCB sẽ tăng lên.
* Theo lộ trình thì bao giờ sẽ chính thức tăng viện phí?
- Bộ Y tế sẽ tiếp tục xin ý kiến các cơ quan và sẽ đăng trên website Chính phủ để lấy ý kiến người dân.
Phải có lộ trình hợp lý Đó là kiến nghị của một số ĐB dự hội thảo hôm qua. Theo ông Phan Trọng Khánh (đại biểu QH Hải Phòng), việc đề xuất tăng viện phí vừa rồi chưa thực sự mềm dẻo, tạo ra dư luận không hay. “Nhiều ý kiến nghi ngại sau khi tăng viện phí thì chất lượng KCB ra sao, đưa công nghệ tiên tiến áp dụng vào KCB thế nào? Thay đổi viện phí tác động trực tiếp đến ngành y tế, ngành BHXH cũng như ảnh hưởng tới hàng triệu người dân, vì vậy cần phải có tính toán phù hợp. Bộ Y tế cần phân định lộ trình tăng cái gì trước, cái gì sau để dân hiểu, đồng thuận”, ông Khánh nhấn mạnh. |
Nguyệt Minh (thực hiện)
Bình luận (0)