Đại gia sách cũ đất Hà Thành

19/08/2010 14:50 GMT+7

(TNTS) Hơn hai chục năm lặn lội sưu tầm, ông Phan Trác Cảnh ngụ ở phố Bát Đàn (Hà Nội) hiện đang lưu giữ xấp xỉ 10 tấn sách cũ với nhiều nguồn tư liệu quý hiếm.

Sở hữu một gia tài tri thức khổng lồ, ông Cảnh được giới chơi và sưu tầm sách đất Hà thành ngưỡng mộ đặt cho biệt danh thân mật là “ông trùm sách cũ” hay “đại gia sách cũ”… Căn nhà 4 tầng của ông giống như một cửa hiệu sách thứ thiệt. Điều lạ là, hiệu sách này chẳng mấy khi mở cửa. Khách có nhu cầu cứ kiên nhẫn bấm chuông sẽ có người mở cửa, chỉ dẫn tận tình. Trong nhà, sách để dàn trải, xếp gọn gàng tầng tầng lớp lớp dọc chân cầu thang, trên lối đi hoặc bất cứ chỗ nào khô thoáng, không bị ẩm ướt. Bốn bức tường thư phòng nơi ông Cảnh làm việc được “ốp” bằng hàng nghìn cuốn dày mỏng khác nhau. Căn phòng rộng vài chục mét vuông giờ bị sách bao vây tứ phía, đang ngày càng có xu hướng xích lại chiếc bàn uống nước nho nhỏ đặt chính giữa. Trong thư phòng này, người yêu sách khắp trong và ngoài nước, cả những học giả nổi tiếng như giáo sư Phan Huy Lê, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc... thường xuyên qua lại đàm đạo về sách.

Ông Cảnh bắt đầu sưu tầm sách cũ từ năm 1983, khi kết thúc công việc quản lý ở trường ĐH Tổng hợp. Cho đến nay, trong nhà ông có hàng vạn đầu sách khác nhau. Chủ nhân khéo léo sắp xếp, phân chia bộ sưu tập thành nhiều lĩnh vực; hay chia các đầu sách viết riêng về các địa danh tỉnh, thành… để thuận tiện tra cứu. Chính vì thế, độc giả chỉ cần nói tiêu đề là ông Cảnh có thể trả lời chắc chắn trong tủ có hay không có loại sách này, và ông còn biết rõ nó đang nằm chỗ nào.

Trong kho tàng sách cũ đồ sộ ấy, cuốn cổ nhất xuất bản từ năm 1867 bằng tiếng Pháp với tựa đề Những kỷ niệm về Huế, do một ký giả nước ngoài chụp lại, ghi chép tỉ mỉ dưới dạng hồi ký về bối cảnh, địa danh, sinh hoạt vui chơi tại Huế trong thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, bộ tài liệu sưu tầm về Thăng Long - Hà Nội tương đối đồ sộ với trên 300 cuốn; cùng hàng nghìn trang viết về họp chợ trên mảnh đất kinh kỳ... Trong số đó, ông Cảnh đặc biệt mê thích cuốn sách ảnh chụp Hà Nội hồi năm 1947 - 1954, từng có nhiều độc giả trong và ngoài nước săn đón gạ gẫm sang tay.

Ông Cảnh không đặt nặng vấn đề kinh doanh mua bán. Khách đến nhà sách cũ cứ vô tư chọn lựa đọc tại chỗ hay sao chép thoải mái, hoàn toàn không phải trả phí. Nguồn thông tin, kiến thức từ sách cũ ở đây giúp đỡ không ít người hoàn thiện, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Quanh năm cần mẫn đọc tổng hợp các sách trong thư phòng, ông Cảnh tự hào mình đã “chu du” khắp thiên hạ, biết hầu hết các danh thắng, nét văn hóa đặc trưng ở các vùng miền từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau.

Theo đuổi đam mê sách cũ, ông Cảnh đánh đổi nhiều tài sản, trong đó có món đồ cổ là chiếc bể cạn bằng đồng bên trong trang trí cây si chạm trổ gỗ thông. Ông Cảnh cho rằng, người đi sưu tầm nếu biết giá trị thực của cuốn sách sẽ không đắn đo khi bỏ nhiều tiền sở hữu nó bằng mọi giá.

Trong gia tài của ông, có bộ sách đáng giá cả vài nghìn USD nhưng nếu gặp người tâm đầu ý hợp, biết nâng niu trân trọng, ông không ngần ngại mang sách làm quà biếu nhưng kèm thêm điều giao ước, có thể mượn lại khi cần. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông bất ngờ nhận được lá thư gửi từ trại giam Vĩnh Quang, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc từ một chàng trai trẻ vướng vào vòng lao lý. Trong thư, bạn trẻ nắn nót từng nét chữ, tha thiết bày tỏ mong muốn xin ông Cảnh vài cuốn sách cũ để “khai sáng tri thức và lương tri” trên con đường trở lại làm người lương thiện. Trân trọng tấm lòng một phạm nhân yêu sách, ông Cảnh cẩn thận chọn lựa, đóng gói vài cuốn sách gửi về địa chỉ trong thư.

Năm nay, ông Cảnh bước sang tuổi 75, không thể tung hoành lân la qua các hiệu sách cũ; công việc sưu tầm đều cậy nhờ bạn bè yêu sách ở khắp các tỉnh, thành từng có dịp cộng tác trao đổi. “Thế giới sách cũ mang lại cho tôi những tri thức quý giá về cuộc sống, về đạo làm người và cả những người bạn tri âm”, ông Cảnh đúc kết.

Bài & ảnh: Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.