Bắt tội phạm bị truy nã quốc tế

21/08/2010 23:37 GMT+7

Hàng loạt tội phạm người Đài Loan bị truy nã đã sang Việt Nam lẩn trốn, thậm chí lấy vợ, sinh con, nhưng cuối cùng cũng bị các trinh sát cảnh sát hình sự (CSHS) lật tẩy.

Đầu năm 2010, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM gửi công văn đề nghị Công an Việt Nam giúp đỡ truy bắt 38 đối tượng bị truy nã của Cảnh sát Đài Loan có khả năng đã nhập cảnh vào Việt Nam. Nhận được công văn kèm danh sách - trong đó có đến 10 đối tượng bị truy nã về tội giết người, 5 về tội cướp và 5 liên quan đến ma túy - Bộ Công an giao cho Cục CSHS lập chuyên án truy bắt.

Nước mắt tội phạm

Sàng lọc thông tin từ nhiều nguồn, Cục CSHS (cơ quan thường trú phía Nam - C45B) xác định trong 38 đối tượng có 25 đã nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng tính đến tháng 5.2010 thì 10 đã xuất cảnh, 15 còn lại được các trinh sát sàng lọc, khoanh vùng để truy bắt.

Nổi lên trong nhóm đối tượng nghi vấn đang ở Việt Nam là Chiang Cheng Hsiung (sinh năm 1950) bị truy nã về hành vi phá hoại bầu cử và lừa đảo. Qua xác minh, từ năm 1996 đến năm 2010, Chiang đã xuất, nhập cảnh vào Việt Nam tổng cộng 57 lần và khả năng vẫn đang sống tại Việt Nam. Các trinh sát CSHS lần theo từng địa chỉ ở nhiều tỉnh thành, từ Quảng Nam đến TP.HCM, mà Chiang từng sinh sống, thấy Chiang từng sử dụng rất nhiều số điện thoại trong quá trình lẩn trốn. Cuối cùng, trinh sát phát hiện Chiang đang sống như vợ chồng với một phụ nữ tại một nhà trọ thuộc phường 5, Q.8, TP.HCM, và đã có với cô này một con nhỏ 3 tuổi.

Kế hoạch bắt Chiang được lãnh đạo C45B phê chuẩn. Khoảng 16 giờ ngày 17.8, khi Chiang đang ẵm con nhỏ thì trinh sát C45B phối hợp Công an phường 5 ập vào nhà đọc lệnh bắt giữ. Tại trụ sở C45B, Chiang khai sinh sống tại đây đã 4 năm liền. Ngày 20.8, C45B bàn giao Chiang cho cảnh sát Đài Loan để dẫn độ y về. Trước khi lên máy bay, trinh sát cho Chiang gặp vợ và con trai tại trụ sở. Khi gặp nhau, cả hai vợ chồng Chiang đều nước mắt lưng tròng. “Khi thực hiện lệnh bắt Chiang, thấy Chiang đang ẵm con nhỏ, tôi không muốn bắt ngay chút nào mà muốn chờ cơ hội khác, nhưng vì nhiệm vụ vẫn phải thực thi. Dù là tội phạm nhưng với khía cạnh gia đình, hiện Chiang là chồng, là cha của hai con người tội nghiệp. Chính vì vậy, trước khi bàn giao Chiang cho cảnh sát Đài Loan, tôi báo cáo lãnh đạo cho họ gặp nhau một lần”, trinh sát Vũ Tuấn Sơn kể.

Người trồng nho kỳ dị

Cũng giống như Chiang, Chan Chin Hsien (sinh năm 1958), bị cảnh sát Đài Loan truy nã về tội buôn bán, sản xuất thuốc tân dược giả. Ngay sau bị cảnh sát Đài Loan truy nã, Chan nhập cảnh vào Việt Nam rồi lấy một cô vợ người Tiền Giang, tên Hiền. Biết rõ đang bị truy nã quốc tế, năm 2007 Chan đưa vợ đến xã Bảo Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, làm nhà trên đỉnh một quả đồi và trồng nho sinh sống như một nông dân thực thụ. Trong thời gian này, công an địa phương liên tục lên yêu cầu đi đăng ký tạm trú, nhưng cứ thấy bóng dáng công an là Chan lại bỏ trốn khỏi nhà, vào rừng chờ đến khi công an đi khỏi nhà mới quay về.

Ngoài việc lên đỉnh đồi làm nhà để dễ bề phát hiện người lạ xâm nhập, Chan còn nuôi đến 9 con chó trong nhà, hễ có bóng người là bầy khuyển sủa ầm lên cảnh báo. Vì vậy, khi trinh sát C45B phối hợp Công an Ninh Thuận đến nhà truy bắt Chan, đối tượng phát hiện người lạ liền giả vờ chở vợ đi chợ rồi lẩn trốn luôn vào TP.HCM. Từ nguồn tin cơ sở cho biết Chan đang nhờ người mang đồ dùng vào TP.HCM, trinh sát bám theo xe đò Chan gửi hàng vào thành phố. Đến ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai), hàng của Chan được chuyển xuống nhưng không thấy bóng dáng Chan mà là một người khác đến nhận. Hội ý nhanh, trinh sát tạm giữ người đến nhận hàng của Chan để khai thác thông tin.

Biết không thoát khỏi “lưới trời”, ngày 16.8, Chan đến Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM đầu thú. Trinh sát Nguyễn Tiến Dũng, người được trực tiếp giao nhiệm vụ đi bắt Chan, kể lại chuyện kỳ lạ trong mấy năm Chan làm nông dân trồng nho ở Ninh Thuận. Số là ruộng rau của Chan thường xuyên bị bò của dân địa phương vào phá phách. Mỗi lần như vậy Chan giữ bò lại rồi bắt dân đến chuộc. Cũng có con Chan không bắt mà chặt cụt đuôi. Đáng lưu ý, những con bò bị Chan bắt giữ, sau khi người dân chuộc về chỉ khoảng một tuần lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Tính đến ngày Chan bị bắt, người dân địa phương cho hay đã có khoảng 5 con bò sau một tuần chuộc về là chết.

Theo trinh sát Nguyễn Tiến Dũng, nhiều đối tượng bị truy nã người Đài Loan không biết tiếng Việt, hoặc biết nhưng khi bị bắt lại giả vờ không biết, dùng tên giả để nhập cảnh vào Việt Nam, đăng ký tạm trú ở một nơi nhưng lại ở nơi khác… nhằm đối phó với công an Việt Nam. Nhưng sau 3 tháng lập chuyên án bắt giữ nghi phạm người Đài Loan bị truy nã, C45B đã bắt được 5 đối tượng hiện, bàn giao cho cảnh sát Đài Loan dẫn độ về xử lý. Đến nay, chuyên án vẫn chưa kết thúc và hằng ngày các trinh sát hình sự của C45B vẫn ráo riết truy lùng…

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.