Chờ hiệu ứng tích cực từ Ngô Bảo Châu

21/08/2010 00:12 GMT+7

Là nhà toán học thành danh tại Pháp, giáo sư (GS) Nguyễn Tiến Dũng từ Đại học Toulouse đã chia sẻ những đánh giá của ông về Ngô Bảo Châu cũng như một số trăn trở về khoa học nước nhà.

* Thưa GS, là người Việt Nam làm khoa học ở nước ngoài, lại cùng ngành toán, ông đánh giá việc GS Ngô Bảo Châu chứng minh thành công Bổ đề cơ bản và được trao huy chương Fields như thế nào?

- Giải Fields của Ngô Bảo Châu là một niềm tự hào lớn cho Việt Nam, và cho giới toán học của Pháp. Đối với tôi, việc Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields là hoàn toàn xứng đáng và không có gì ngạc nhiên. Ngay từ khi Ngô Bảo Châu giải quyết xong Bổ đề cơ bản của Langlands cách đây khoảng 2 năm, tôi cũng đã dự đoán GS Châu sẽ được giải Fields. Và khi kết quả của GS Châu được Time đánh giá là 1 trong 10 kết quả nổi bật nhất của khoa học thế giới năm 2009 thì điều này càng trở nên rõ ràng. Từ đầu năm nay, giới toán học đã có đồn đại nhiều về những ứng cử viên của giải Fields cho năm nay, trong đó Ngô Bảo Châu có thể coi là ứng cử viên được nhiều người ủng hộ nhất

 
GS Nguyễn Tiến Dũng

Thành tích của GS Châu đạt được tất nhiên là do tài năng xuất chúng và sự đammê toán học của GS Châu mà ai cũng phải công nhận. Ngoài ra còn cần kể đến những điều kiện hết sức thuận lợi khác của GS Châu, mà nhiều người khác không có được: sinh ra trong một gia đình trí thức cao cấp và khá giả; luôn được học trong những điều kiện tốt nhất, kể cả ở bậc phổ thông, đại học và sau đại học (Ecole Normale Supérieure ở Paris, cái lò sản sinh các nhà toán học ở Pháp); có người thầy đỡ đầu thuộc loại hàng đầu thế giới và rất quan tâm đến học trò (ông Laumon - viện sĩ của Pháp, thầy của 2 giải thưởng Fields); làm việc cũng trong những điều kiện tốt nhất (như ở Paris 11 hay Princeton); không bao giờ phải lo lắng chuyện thiếu tiền; luôn có thể yên tâm nghiên cứu toán, có được một bài toán lớn để tập trung làm trong nhiều năm, và tất nhiên là đã tìm được đúng hướng để giải bài toán đó. Để đạt được một thành tích như Ngô Bảo Châu, cần có sự tập trung của rất nhiều yếu tố thuận lợi như vậy, mà ngay cả ở các nước tiên tiến cũng ít người có được, chưa nói đến Việt Nam.

GS Nguyễn Tiến Dũng từng là sinh viên toán tại Đại học Lomonosov, Moscow (Nga) và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện SISSA, Trieste (Ý), ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Strasbourg, Pháp vào năm 1994 và sau đó làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại SISSA. Từ năm 2002, ông là GS toán tại Đại học Toulouse, Pháp; được phong GS hạng nhất bởi Ủy ban Quốc gia về đại học của Pháp từ năm 2007. Ông đã viết nhiều công trình khoa học bằng tiếng Pháp và tiếng Việt, có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy khoa học - giáo dục Việt Nam phát triển, cũng như kết nối các nhà khoa học Việt trên toàn thế giới, trong đó có GS Ngô Bảo Châu.

Thành tích của Ngô Bảo Châu một lần nữa chứng tỏ người Việt Nam có trí tuệ không kém gì thế giới. Nếu chúng ta còn đạt được ít thành quả, đó là do môi trường và điều kiện còn thiếu thốn. Nhưng tôi tin rằng, trong tương lai, khi kinh tế của Việt Nam mạnh lên, cùng với nền tảng văn hóa chung và khoa học công nghệ mạnh lên, sẽ có không ít người Việt Nam đạt đến đỉnh cao thế giới trong khoa học cũng như trong các lĩnh vực khác.

* Đang có một "cơn sốt Ngô Bảo Châu" ở Việt Nam. Theo ông, phải làm thế nào để những nguồn cảm hứng như Ngô Bảo Châu có tác động tích cực và dài lâu tới sự phát triển của khoa học, chứ không chợt bùng lên rồi tắt lịm như việc người ta hâm mộ một ngôi sao nhạc pop?

- Hiện tượng Ngô Bảo Châu sẽ làm cho Việt Nam phấn chấn và quan tâm hơnđến khoa học, và đây là điều rất đáng mừng. Việc Chính phủ phê duyệt đầu tư hơn 600 tỉ đồng cho chương trình trọng điểm toán học có lẽ một phần nhờ vào "hiệu ứng Ngô Bảo Châu", và tất nhiên điều này có lợi cho sự phát triển của toán học Việt Nam.

 
GS Châu (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhà toán học đoạt giải thưởng Fields tại ICM 2010 - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, như người ta nói, "một con én không làm nên mùa xuân". Để có được một "mùa xuân" cho nền khoa học Việt Nam, thì một vài con én như Ngô Bảo Châu chưa đủ. Cái quan trọng nhất là phải có chiến lược và cơ chế tốt, mới có thể thúc đẩy khoa học phát triển. Nếu như nền khoa học của chúng ta còn phát triển quá chậm trong vòng 35 năm qua kể từ ngày thống nhất đất nước, thì là do chúng ta đã có nhiều sai lầm về chiến lược và cơ chế. Theo tôi ước tính, hiện tại các nhà khoa học ở Việt Nam mới chỉ tận dụng được khoảng 30% công suất lao động tiềm năng, tức là để lãng phí khoảng 70% khả năng. Cần cải cách mạnh về cơ chế, thay đổi cách quản lý, minh bạch hơn, năng động hơn, chú trọng chất lượng và hiệu quả hơn, coi trọng những người thực tài hơn là những người "leo quan", tạo môi trường thích hợp cho khoa học công nghệ phát triển, thì nó mới phát triển mạnh được.

Một điểm tôi muốn nhấn mạnh, là cần đặc biệt chú trọng nâng đỡ thế hệ trẻ, vì tương lai của đất nước. Những người trẻ và có trình độ thực sự và tâm huyết cần được chú trọng hướng vào các vị trí quan trọng càng sớm càng tốt, giúp Việt Nam chóng phát triển, không để phí phạm thêm một thế hệ. Điều này đã bắt đầu ở một vài nơi, ví dụ như các trưởng phó khoa của khoa Toán ở ĐH Quốc gia Hà Nội  đều còn trẻ. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn nặng các hủ tục như "sống lâu lên lão làng" và nhiều người trẻ và có trình độ cao vẫn cứ "đợi đấy". Nhưng đợi đến lúc "đủ tuổi" thì cũng cạn sức rồi, còn thay đổi được gì nữa.

Sáng 20.8, khai mạc phiên họp thứ 33 của Ủy ban TVQH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ủy ban TVQH chúc mừng GS Ngô Bảo Châu nhân sự kiện GS được trao giải thưởng danh giá Fields dành cho các nhà toán học xuất sắc nhất thế giới. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đề nghị, thời gian tới cần tạo cơ chế khuyến khích, thúc đẩy để Việt Nam có nhiều người tài danh như GS Ngô Bảo Châu.

Theo Le Figaro, toàn thể cộng đồng toán học Pháp đã rất vui mừng vì hai chiếc huy chương Fields của GS Ngô Bảo Châu và GS Villani, từ Hội Khoa học toán học Paris, Viện Nghiên cứu khoa học cao cấp (IHES), Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) đến các trường đại học. Báo Le Parisien dẫn lời GS Patrick Gérard, Trưởng phòng Nghiên cứu toán học của Paris-Sud cho biết, trường sẽ luôn mở rộng cửa chào đón GS Ngô Bảo Châu. Thị trưởng thành phố Orsay (Pháp) cũng đã bàn đến chế độ đãi ngộ đặc biệt để “giữ chân” những nhân tài như GS Châu.

Nói như Le Monde, GS Ngô Bảo Châu đã “mở được cánh cửa mà nhiều người tưởng là bất khả xâm phạm”. Vì thế, không chỉ ở quê nhà Việt Nam, nơi nào anh đã để lại dấu ấn của mình, nơi ấy tự hào về anh.

Lan Chi - TTXVN

Cư dân mạng sôi sục

Ngay khi GS Ngô Bảo Châu vừa được nhận giải Fields, hầu như tất cả cư dân mạng Việt Nam đều lên blog, trang mạng cá nhân để chúc mừng. Một không khí háo hức đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách của thế giới mạng này.

Blog cá nhân của GS Châu (nơi anh lấy “nick name” là Hòa thượng Thích học toán), là nơi nhận được những lời chúc mừng sớm nhất. Hơn 200 comment đều đồng loạt dành những lời ngợi khen và thán phục trước thành quả này. Blogger có “nick” là Thang đã không kìm được xúc động khi viết những dòng này trên: “Bố em cũng làm về nghiên cứu khoa học nhưng nay cũng đã quá tuổi rồi. Không chỉ bố em mà tất cả người Việt Nam nói chung đều cảm thấy xúc động vì sự kiện ngày hôm nay. Bố em đã khóc! (từ lúc sinh ra chưa bao giờ em thấy điều đó). Em thực sự khâm phục anh và sẽ học tập theo lời khuyên của anh”. Cũng một comment khác có lẽ của một người không thể vui sướng hơn nữa: “Coi đi coi lại clip anh nhận giải mà tôi ứa nước mắt. Hạnh phúc quá trời ơi, tự hào quá Việt Nam ơi, không thể diễn tả nỗi cảm xúc lúc này” (Nguyễn Quốc Khánh).

Trang web www.mathvn.com , có nhiều thành viên là nhà toán học cũng như những người đam mê toán học của Việt Nam dành rất nhiều bài viết để nói về sự kiện này. Một thành viên của trang web này phát biểu: “Thật tự hào khi đất nước ta lần đầu tiên trong lịch sử có nhân tài xuất chúng lĩnh giải "Nobel". Công bằng mà nói, trong điều kiện của Việt Nam chúng ta có nhiều khó khăn hơn so với Israel, Pháp, Nga nhưng GS Ngô Bảo Châu đã xuất sắc giành được giải Fields. Một lần nữa xin nghiêng mình kính phục GS Ngô Bảo Châu”.

Trang web www.xahoimang.com, một website được rất nhiều cư dân mạng quan tâm cũng sôi sục vì sự kiện này. Bài viết của thành viên Hoàng Ngọc nhận xét: “Mùa hè năm 1988 cái tên Ngô Bảo Châu lần đầu tiên rộ lên trên báo chí cả nước, do năm đó Châu giành huy chương vàng toán học quốc tế. Hơn 20 năm sau Ngô Bảo Châu làm cả thế giới phải thán phục chứng minh được “Bổ đề cơ bản”. Và hôm nay GS Ngô Bảo Châu được cả thế giới biết đến khi nhận giải thưởng Fields - giải thưởng danh giá được coi như giải “Nobel Toán học”. Chưa bao giờ thấy một sự kiện về khoa học của Việt Nam (tầm cỡ thế giới) lại thu hút được sự quan tâm của mọi người đến vậy. Giờ mới thấy, nếu Nhà nước trân trọng các nhà trí thức, có những khen thưởng, khích lệ kịp thời, truyền thông rộng rãi, thì mọi người sẽ biết đến và ủng hộ nhiều hơn”.

Đăng Nguyên

Tôi có ý kiến

Xin chúc mừng và cảm ơn

Rất nhiều lời chúc, lời cảm ơn mà bạn đọc Báo Thanh Niên đã gửi đến GS Ngô Bảo Châu thông qua Thanh Niên.

Tự hào toán học Việt Nam

Xin chúc mừng GS Ngô Bảo Châu! GS đã cho chúng tôi niềm tự hào khi lần đầu tiên người con của đất nước ta nhận được giải thưởng Fields - một giải thưởng cao quý nhất trong toán học và niềm tự hào đó sẽ đến với tất cả mọi người trên thế giới yêu thích toán cũng như ở Việt Nam. Là một người Việt Nam đang học tập và nghiên cứu toán chúng tôi sẽ luôn noi gương anh - một người anh đã truyền cho chúng tôi niềm say mê nghiên cứu toán học. Hy vọng một này nào đó không xa, khi chúng ta có được viện nghiên cứu toán cao cấp, sẽ có thêm một và nhiều Ngô Bảo Châu nữa. Chúng tôi luôn hướng về GS, chúc GS mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục có những bước đột phá trong toán học!

Nguyễn Cao Phong (Vĩnh Long)

Xin cảm ơn!

14 giờ ngày 19.8.2010, sau khi vào web www.thanhnien.com.vn tôi đã la toáng lên trước thông tin và hình ảnh nhận giải thưởng của anh Ngô Bảo Châu, mọi người trong phòng nhìn tôi, "gì vậy?”, "Việt Nam có người đoạt giải “Nobel toán học". Và tự nhiên nước mắt lại trào khóe mắt, tôi không biết gọi tên cảm xúc là gì? Cảm ơn anh rất nhiều GS Ngô Bảo Châu, anh đã làm rạng danh hai tiếng Việt Nam!

Nguyễn Thị Mộng Trinh (Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Khoảng trống phía sau Ngô Bảo Châu

Việc GS Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng danh giá nhất của Toán học đã làm nức lòng người Việt Nam. Anh xứng đáng là một tấm gương cho lớp trẻ về sự phấn đấu và theo đuổi đến cùng ước mơ của mình. Uy tín của GS Ngô Bảo Châu sẽ tăng lên sau giải thưởng này. Tôi mong rằng GS Châu sẽ tiếp tục giúp Viện Toán và nền toán học VN phát triển.

Điều mà nhiều người lo ngại là nhiều SV, HS giỏi toán đã từng đoạt giải vàng, giải bạc toán quốc tế nhưng đã đi sang các ngành khác. Có phải vì lý do cơm, áo, gạo tiền? Do đó, tôi mong Chính phủ cần xem xét và tạo điều kiện thuận lợi để nhiều nhà nghiên cứu toán học có điều kiện để cống hiến.

Đàm Thị Xuân Uyên (Lê Thị Hồng Gấm, P.6, Mỹ Tho, Tiền Giang)

Đừng để mất họ

Mấy ngày qua báo chí tốn khá nhiều giấy mực viết về GS Ngô Bảo Châu đã đoạt giải "Nobel Toán học". Tôi cũng mừng nhưng cũng lo, tôi sợ, trường hợp GS Châu cũng sẽ như nghệ sĩ Đặng Thái Sơn năm xưa đã đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế. VN sẽ được gì ngoài cái tiếng "anh ấy là người Việt" ? Vì vậy, đất nước chúng ta phải biết ươm mầm và trọng dụng nhân tài, lôi kéo họ trở về phục vụ đất nước, muốn thế phải có chính sách đãi ngộ chiêu hiền đãi sĩ xứng đáng.

(thanhtungca@yahoo.com)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Đỗ Hùng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.