Ngày càng có nhiều người kết thân với rau, củ nhằm phòng bệnh và cân bằng dinh dưỡng. Nhưng sử dụng rau, củ tươi hay đông lạnh, ăn sống hay nấu chín... để có nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe? Dưới đây là những câu hỏi và trả lời mà bạn rất cần ghi nhớ:
Rau ăn tươi nhiều dinh dưỡng hơn khi đông lạnh: Điều này đúng nhưng không phải là tuyệt đối. Nhiều nghiên cứu cho thấy có đôi khi rau cải đông lạnh lại mang đến nhiều chất dinh dưỡng hơn, tùy theo chủng loại hoặc tùy vào thời gian mà rau cải nằm trên kệ của siêu thị. Bởi vì ngay sau khi được thu hoạch thì rau bắt đầu mất dần các chất dinh dưỡng. Rau thường được đưa vào đông lạnh ngay sau khi thu hoạch nên có thể giữ lại “đỉnh cao” các giá trị dinh dưỡng.
Rau đã nấu kém dinh dưỡng hơn khi sống: Cũng không hẳn. Bởi điều này còn tùy thuộc vào loại rau. Nấu nướng sẽ tàn phá một số chất dinh dưỡng nhưng lại sản sinh một số chất dinh dưỡng khác. Chẳng hạn một số rau, củ sẽ bị mất vitamin C và acid folic khi nấu nướng. Tuy nhiên, một số rau, củ khi được nấu sẽ sinh ra vitamin A, chất xơ giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa hơn.
Một thí dụ điển hình là cà chua. Khi ăn cà chua nấu chín thì cơ thể sẽ có được nhiều lycopene hơn. Lycopene là một chất chống ô xy hóa khét tiếng, có khả năng kháng ung thư. Một số loại rau củ nên hấp hơn là luộc, vì khi luộc thì nước sẽ lấy hết các vitamin của rau, củ tan trong nước.
Xà lách có giá trị dinh dưỡng: Xà lách thường được dùng trộn vào các loại rau khác để ăn sống nên có người nghĩ loại rau này ít dinh dưỡng. Suy nghĩ này là nhầm to vì xà lách chứa nhiều nước nên không chứa nhiều vitamin nhưng lại có chất xơ, một ít protein và các khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe.
Khoai tây không gây béo phì: Vì khoai tây hầu như không chứa chất béo và có calories thấp, giàu chất xơ. Ăn khoai tây làm cho bạn có cảm giác no lâu và vì vậy có thể hỗ trợ việc giảm cân. Bản thân khoai tây không làm cho bạn béo phì mà tùy thuộc vào cách bạn nấu chúng. Nếu nấu chung với quá nhiều bơ, sữa, phó mát thì khoai tây dễ bị oan.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)