Nỗi lòng của người cha

24/08/2010 10:19 GMT+7

Nhìn cách đối xử của anh Lương với con riêng của vợ, ai cũng phải nể. Đi đâu anh cũng đưa cháu Minh đi theo giới thiệu là con mình... Bạn bè, người thân của anh chị đều ngạc nhiên.

Anh Lương cưới chị Thanh khi người vợ cũ mất được 5 năm. Khi ấy, chị cũng mất chồng 4 năm. Rổ rá cạp lại. Anh có một con trai 12 tuổi, chị có con gái 10 tuổi.
 
Chị theo anh vào miền Nam với điều kiện do anh Lương đặt ra là chị phải để con gái ở lại Hà Nội cho bà ngoại và vợ chồng lấy nhau không sinh thêm con.

Niềm tin vô vọng
 
Khi chị chấp nhận điều kiện của anh, nhiều người trách chị “chỉ vì mình”. Nhưng chị có lý do của mình: “Tôi yêu anh, biết rõ anh là người nhân hậu. Anh chỉ vì không muốn cả hai đứa trẻ con không hề quen biết, đều đã mất cha và mẹ ruột lại phải chịu áp lực sống chung với hai người xa lạ khác. Tôi theo anh vào TPHCM vì tôi nghĩ rồi sau này các con lớn hơn, anh hiểu tôi, hiểu con hơn, tôi sẽ thuyết phục anh”.
 
Nhưng chị Thanh đã lầm. Rất nhiều lần anh đã nổi trận lôi đình và tuyên bố “sẵn sàng bỏ chị nếu chị cứ đề xuất việc có thêm con hoặc đưa con gái vào ở cùng. Anh muốn chị phải hy sinh tất cả để chứng minh tình yêu của mình, muốn chị dành hết tình cảm của mình cho con trai anh.
 
“Tôi đã nghĩ rằng chỉ khi không ở gần con và khi chúng tôi không có con chung, vợ tôi mới hết lòng lo cho đứa con mất mẹ. Và cô ấy quả thật rất thương cháu Toàn con tôi. Đôi khi, tôi cũng thấy đau lòng. Nhưng nghĩ đến đứa con trai mất mẹ bao năm, tôi không thể vượt qua sự ích kỷ” - anh Lương biện bạch.
 
Có một lần, chị Thanh đã bỏ về Hà Nội khi anh buộc chị phải phá thai. “Trời không chịu đất thì đất đành phải chịu trời, anh ấy cứng rắn và dứt khoát không nhượng bộ. Một lần nữa, tôi vì quá yêu anh, đành chiều theo ý anh, trở vào TPHCM.
 
Hơn nữa, anh cũng chỉ yêu cầu tôi không được mang con vào ở cùng và không có con thêm nữa, chứ tất cả mọi thứ về vật chất anh đều lo lắng đầy đủ cho con gái tôi và để tôi ra Hà Nội bất kỳ lúc nào tôi nhớ con cũng như khi con tôi cần có tôi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy hy vọng ban đầu của tôi về sự thay đổi cách suy nghĩ của anh bằng tình yêu là vô vọng. Tôi đã nghĩ một ngày nào đó mình sẽ không thể chịu đựng” - chị Thanh tâm sự.
 
Nỗi đau hóa giải

 
Khi con học xong trung học, anh Lương quyết định cho con trai du học ở Úc. Anh cũng bàn với chị cũng sẽ cho Minh - con riêng của chị Thanh - đi học ở Singapore.
 
Những ngày anh hân hoan đón nhận tin con trai hòa nhập cuộc sống mới không được kéo dài. Sáu tháng sau khi sang Úc học, Toàn bị tai nạn giao thông và mất khi anh vừa kịp sang đến nơi nghe cháu nói lời hấp hối.
 
Anh trở về, già đi và gầy sọm. Điều anh làm đầu tiên là xin chị ngàn lần tha thứ cho anh về sự ích kỷ trong thời gian qua, khi chia cắt chị và con gái.
 
“Chỉ có khi mất con trai rồi, tôi mới hiểu được tình mẫu tử mà vợ tôi đã bị tôi chia lìa. Tôi thấy mình vô cùng có lỗi với vợ, với cháu Minh. Khi gặp tôi, chỉ còn chút sức cuối cùng, con trai tôi đã hỏi: Mẹ Thanh con đâu? Lời nói của cháu cũng cho tôi thấy bằng tình yêu thương, chính Thanh đã khiến con trai tôi tự coi cô ấy là mẹ. Còn tôi, đã không làm được điều đó với cháu Minh.
 
Sau những tháng ngày đấu tranh với chính sự hổ thẹn của mình, tôi biết chỉ có sự yêu thương, quan tâm thực sự mới có thể giúp tôi có lại được gia đình mình, có được đứa con gọi tôi là ba trong những ngày vui cũng như trong cơn hoạn nạn” - anh Lương tâm sự.
 
Kể từ ngày chị Thanh đưa Minh vào TPHCM, cho đến nay đã hơn 6 năm, cháu  đã được sống hạnh phúc trong vòng tay của người cha dượng.
 
“Dường như bao nhiêu yêu thương dành cho Toàn anh đều muốn bù đắp vào cháu Minh, vì thế, anh yêu thương con gái tôi và chăm sóc cho cháu mọi bề. Con gái tôi cũng rất yêu ba Lương. Tôi nghĩ đó là điều khiến anh vượt qua nỗi đau mất con trai” - chị Thanh tâm sự.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.