Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự Luật Đo lường do Chính phủ lần đầu tiên trình ra phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều nay, 24.8.
Vi phạm đo lường ngày càng tinh vi
Theo đại diện ban soạn thảo - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, sau một thời gian thực hiện Pháp lệnh Đo lường năm 1999, thực trạng đo lường ở nước ta hiện đã bộc lộ một số bất cập, thể hiện qua việc độ chính xác, phạm vi đo của chuẩn quốc gia và thiết bị sao truyền còn hạn chế; chuẩn đo lường và các phương tiện thiết bị còn mang tính chắp vá; hệ thống kiểm định phương tiện đo hiện nay mới chỉ đáp ứng từ 60 - 70% nhu cầu kiểm định (khoảng 28 triệu phương tiện đo các loại), nghĩa là vẫn còn tới 30 - 40% số phương tiện đo thuộc Danh mục phải kiểm định chưa được kiểm định theo quy định…
Thực tế khác là hoạt động thanh, kiểm tra về đo lường chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hành vi vi phạm quy định về đo lường với việc thực hiện phép đo (trong kinh doanh xăng dầu, vận tải hành khách bằng taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch… và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn) ngày càng tinh vi, phức tạp.
Một trong những nguyên nhân của bất cập trong hoạt động đo lường nêu trên, theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, là do các cơ chế, chính sách và pháp luật về đo lường của nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế như hiện nay. “Vì vậy, việc ban hành Luật Đo lường để điều chỉnh thống nhất và toàn diện hoạt động đo lường ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách”, ông Phong nhấn mạnh.
Tăng mức phạt hành vi gian lận
Dự thảo luật gồm 7 chương, 49 điều, quy định về chuẩn đo lường, đơn vị đo, quản lý Nhà nước về đo lường…
Đáng chú ý, dự thảo luật quy định mức xử phạt cao hơn mức xử phạt trong pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành đối với hành vi vi phạm về đo lường nhằm thu lợi bất chính lớn.
Lý do của việc tăng mức xử phạt được Bộ trưởng Hoàng Văn Phong lý giải là xuất phát từ thực tiễn “các hành vi vi phạm các quy định về đo lường hiện nay khá tinh vi, có tính phổ biến và phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong giao dịch kinh tế, dân sự”, cũng như trong sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân và môi trường.
“Nếu chỉ dựa vào mức xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính thì không đủ sức răn đe”, ông Phong nói rõ.
Vì thế, dự luật quy định: người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của luật này hoặc các quy định về đo lường của luật khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cũng theo dự luật này, tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đo lường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả.
Mức xử phạt vi phạm hành chính sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định trên mà vẫn thấp hơn 5 lần trị giá số tiền thu lợi do vi phạm mà có thì mức phạt được áp dụng không quá 5 lần số tiền đó và tiền thu lợi do vi phạm mà có sẽ bị tịch thu.
Luật Đo lường giao Chính phủ quy định cụ thể về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về đo lường quy định theo nội dung trên.
Theo nghị trình, trong phiên thảo luận chiều nay về dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ góp ý và xem xét các điều kiện để có thể trình dự luật ra kỳ họp tới của Quốc hội.
Bảo Cầm
Bình luận (0)