Tiết học khó quên

24/08/2010 18:12 GMT+7

Tôi cao giọng hỏi: “Vì sao em ăn Tết mà không lo học bài?”, Hằng cúi mặt trả lời qua tiếng nấc nghẹn ngào: "Thưa thầy, cha em mới mất, thầy cho em thiếu nợ...".

“Thầy cho em thiếu nợ...”

Ấn tượng khó quên trong đời thầy giáo của tôi là tiết dạy đầu tiên sau Tết Nguyên đán năm 2008 ở lớp 6A8, trường THCS thị trấn Mỹ An, Tháp Mười, Đồng Tháp. Sau ít phút chúc Tết như thường lệ, tôi gọi học sinh Nguyễn Thị Cẩm Hằng lên kiểm tra bài cũ. Tôi thất vọng khi cô học trò giỏi vốn hay cười kia lại trả lời rằng em không thuộc bài. Tôi sững sờ, dịu giọng cho em về chỗ khi biết lý do của em. Suốt tiết đó, dù cố chuyên tâm giảng bài nhưng lòng tôi vẫn băn khoăn, tự hỏi: “Liệu mình đã hiểu rõ về học sinh chưa?”.

Tôi đến thăm nhà Hằng ở số 95/1/C đường Gò Tháp, khóm 3, thị trấn Mỹ An. Nhà mái tôn lụp xụp, vách gỗ đơn sơ nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Góc học tập của Hằng chỉ là một miếng ván nhỏ kê ở đầu giường ngủ, trong căn phòng ẩm thấp sát mé sông. Cả nhà chỉ có 4 công ruộng nhưng đã đem cầm cố khi chị Hai Hằng bệnh thận, đến nay đã mười mấy năm vẫn chưa chuộc lại nổi. Vậy mà nay, cha Hằng lại bị tai nạn, đột ngột qua đời.

Hằng có 5 anh chị, anh Ba làm phụ hồ, thỉnh thoảng gửi chút ít tiền về cho gia đình. Anh Tư, chị Hai và chị Năm đã lập gia đình, cuộc sống cũng rất chật vật. Chị Sáu thì vẫn đang đi học. Mẹ Hằng bấy lâu bị bệnh tim, may mắn được hàng xóm thương mướn làm giúp việc. Bà tâm sự: “Tôi già rồi, không có tiền mổ tim cũng chẳng sao. Tôi chỉ lo cho con Hằng, chưa biết chừng nào có tiền cho nó đi mổ nữa...”.

BTC hội thi viết “Đuốc sáng Đông Du” rất bất ngờ và xúc động khi được Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp và độc giả cho biết tác giả Lê Hồng Phương cũng có hoàn cảnh khó khăn. Được biết 13 người trong gia đình thầy Phương, trong đó có đến 6 giáo viên, hiện cùng sống trong một căn nhà đơn sơ, chật chội nhưng cả nhà vẫn rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Cô bé bị hở van tim

Hằng là con út trong nhà, bị hở van tim hai lá đã lâu, thường ngất xỉu trong lớp học. Hết năm học lớp 6 đó, Hằng đã phải nghỉ học một năm do bệnh trở nặng. Không đành lòng nhìn cô học trò giỏi phải bỏ học, tôi đã đến nhà động viên em tiếp tục đến trường. Hiện em đã là học sinh lớp 8A10 của trường. Hoàn cảnh khó khăn và việc học gián đoạn như thế, lại không hề đi học thêm ngày nào nhưng năm học nào Hằng cũng được xếp loại giỏi. Không những thế, Hằng luôn tích cực tham gia và đạt giải cao trong các kỳ thi ngoại khóa của trường.

Nghe Hằng bộc bạch mà tôi thấy cay cay nơi sóng mũi: “Em cố gắng học để mai mốt có nghề nghiệp, kiếm ra tiền chữa bệnh cho mẹ trước và mổ tim của em. Mẹ em già rồi, mỗi lần thấy mẹ mệt, khó thở, em thương mẹ nhưng cũng không biết làm sao...". Ở lứa tuổi mộng mơ nhưng Hằng lại phải sớm lo toan về cuộc đời. Nhìn những tờ giấy khen của Hằng, tôi động viên em: “Em hãy lạc quan và yêu đời, vì con đường đến với nghề giáo của thầy cũng không bằng phẳng, nhưng cứ cố gắng không ngừng thì chúng ta sẽ biến ước mơ thành hiện thực".

Từ khi rời mái nhà đầy ắp tình cảm đó, mỗi lần nghĩ đến Hằng, lòng tôi cứ ray rứt và trăn trở mãi cho số phận của em. Thế nhưng, tôi luôn tự hào về cô học trò của mình. Mỗi lần giảng dạy, tôi thường đem Hằng ra làm tấm gương để các học sinh khác noi theo. Nếu mọi người đều có nghị lực và tâm hồn như Hằng thì xã hội này tốt đẹp biết bao.

Lê Hồng Phương
(Giáo viên trường THCS thị trấn Mỹ An, Tháp Mười, Đồng Tháp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.