Tiếp thêm động lực sớm hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN

25/08/2010 14:13 GMT+7

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn những nhân tố bất định, để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, cần có sự thống nhất cao về một hướng đi chung, lợi ích chung.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng

Ngày 25/8, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42 (AEM 42), Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 (AEC 4) và các Hội nghị có liên quan đã khai mạc tại thành phố Đà Nẵng.

Dự các Hội nghị (từ 24 – 28/8) có Bộ trưởng Kinh tế, Trưởng đoàn các nước ASEAN, các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, EU, Australia, New Zealand, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và nhiều quan chức cao cấp.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Hội nghị với chủ đề “Cộng đồng Kinh tế ASEAN – cộng đồng vì sự tăng trưởng năng động và bền vững” sẽ thảo luận những định hướng lớn, các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN, thực hiện thành công mục tiêu thiết lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 để báo cáo lên các nhà lãnh đạo các nước tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17, sẽ tổ chức vào tháng 10/2010 tại Hà Nội.

Đây cũng là lần đầu tiên, Hội nghị tổ chức phiên tham vấn với các Bộ trưởng Kinh tế Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam nhằm thảo luận biện pháp giúp đẩy nhanh việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trên và các thành viên ASEAN phát triển hơn nữa.

Tăng cường liên kết để xác lập vị trí trung tâm của ASEAN

Đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng ASEAN đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Theo Thủ tướng, Chủ đề của Hội nghị là phù hợp, kịp thời, cũng là bước đi thiết thực, cụ thể hóa nội dung Tuyên bố cấp cao về “Phục hồi và phát triển bền vững” mà các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thống nhất tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội.

Điểm nổi trội và đáng mừng trong thời gian qua là các nền kinh tế ASEAN đã từng bước phục hồi vững chắc; trong đó có sự đóng góp quan trọng của kết quả liên kết kinh tế ASEAN. Chặng đường tiến đến mục tiêu AEC đã vượt qua nhiều cột mốc. Khu vực thương mại tự do ASEAN về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư đang hình thành tích cực.

Một số Chương trình hợp tác trọng điểm như Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, Chương trình thuận lợi hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ đã mang lại triển vọng mới về môi trường kinh doanh thông thoáng, gắn kết trong ASEAN. 

Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN mà Hiệp hội đang xây dựng sẽ hỗ trợ đắc lực cho các nỗ lực liên kết kinh tế ASEAN sâu rộng hơn. Việc kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin, thể chế và giao lưu của người dân trong ASEAN sẽ tạo nền tảng để mở rộng kết nối ra toàn khu vực Đông Á, trong đó ASEAN là trung tâm.

Năm 2010 này, ASEAN cơ bản khép kín được Vòng cung thiết lập các khu vực thương mại tự do với sự tham gia của 16 quốc gia Đông Á mà AEC chính là tâm điểm của mối giao thoa đó.

Việc triển khai Thoả thuận Đa phương hoá sáng kiến Chiềng Mai; thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng và đầu tư ASEAN sẽ góp phần ổn định tài chính, phục hồi và duy trì tăng trưởng của khu vực. Những điều này càng có ý nghĩa hơn trong việc xác lập vững chắc vị trí “trung tâm của ASEAN” trong cấu trúc kinh tế khu vực và toàn cầu.

Ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong 5 năm tới


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Hội nghị chắc chắn góp phần vào thành công chung của ASEAN trong năm 2010 và tiếp thêm động lực cho những năm tiếp theo - Ảnh: Chinhphu.vn

Để sớm thực hiện được mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi mở và đề nghị Hội nghị tập trung xem xét một số vấn đề.

Trước hết, cần tìm kiếm các giải pháp thiết thực, sáng tạo để thúc đẩy việc thực thi một cách nghiêm túc và có hiệu quả Lộ trình tổng thể thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đây là mục tiêu chiến lược, mối ưu tiên hàng đầu của ASEAN trong giai đoạn 5 năm tới đây.

Bên cạnh đó, cần theo đuổi các chính sách phát triển cân bằng và bền vững, nhất là bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với yêu cầu bảo đảm sự ổn định của nền tảng kinh tế vĩ mô, phát triển xã hội và ứng phó có hiệu quả với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng bất ổn về kinh tế.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc củng cố và hoàn thiện khung khổ hợp tác kinh tế hiện có giữa ASEAN với các bên đối tác nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế, tạo cơ sở vật chất cho một cấu trúc khu vực rộng lớn hơn đang hình thành, trong đó ASEAN giữ được “vai trò trung tâm” dựa trên những thành tựu đạt được, bản sắc và định hướng phát triển riêng vốn có của ASEAN.

Một vấn đề khác là cần quan tâm đến những biện pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nhằm đẩy nhanh quá trình thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia, các vùng miền trong khu vực ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế của ASEAN đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng, việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành công nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhất là doanh nghiệp và người dân ASEAN.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực vẫn còn những nhân tố bất định khó lường, để hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, cần có sự thống nhất cao về một hướng đi chung, dựa trên những nguyên tắc nhất quán, xuất phát từ lợi ích chung.

Thủ tướng tin tưởng, các Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN và các nước đối tác sẽ cùng nhau thảo luận sâu sắc và hiệu quả hơn về các phương hướng và biện pháp thực hiện các mục tiêu hội nhập khu vực. Hội nghị chắc chắn góp phần vào thành công chung của ASEAN trong năm 2010 cũng như tiếp thêm động lực cho những năm tiếp theo.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.