Diễn đàn trẻ: Về Việt Nam mình sẽ ra sao?

26/08/2010 09:40 GMT+7

Câu chuyện về sự trở về sau quá trình du học ở nước ngoài của một tiến sĩ trẻ gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cách sử dụng chất xám...

Từ sự kiện Ngô Bảo Châu, cá nhân tôi tin rằng ở nơi đâu chúng ta cũng có thể đóng góp được cho quê nhà. Và chưa chắc sự cống hiến của một người đang ở và làm việc tại VN là nhiều và ý nghĩa hơn người Việt ở nước ngoài.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Bách tốt nghiệp ngành quản lý robot và đo lường hình ảnh trên máy tính Đại học Heriot-Watt (Anh), hiện đang làm việc tại bộ môn kỹ thuật điện Đại học Tôn Đức Thắng

Trước khi về nước tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Những trăn trở, băn khoăn của tôi có lẽ cũng là điều mà bất kỳ du học sinh nào cũng đặt ra: Về VN mình sẽ ra sao? Có tiếp tục con đường nghiên cứu được nữa không? Có hòa nhập vào thị trường lao động trong nước được không?... Và dẫu câu trả lời mà tôi có được thông qua việc tìm kiếm, tổng hợp thông tin ở nhiều nguồn là khá ảm đạm thì tôi vẫn quyết định trở về. Lý do thì tôi nói thật: tôi tôn trọng bản cam kết với Thành ủy.

Tôi không biết những du học sinh làm trong lĩnh vực khác thế nào, nhưng với người theo lĩnh vực nghiên cứu khoa học như tôi cảm thấy buồn và hụt hẫng ngày trở về. Có hai lý do chính:

- Môi trường không thuận lợi. Nghiên cứu khoa học vốn là công việc tập thể và rất cần hỗ trợ từ những người đi trước lẫn “đàn em”... điều này vẫn còn khá mơ hồ tại VN. Chúng ta vẫn chưa quen với việc hợp tác cùng nhau để phát triển, cái “tôi” của nhiều người còn quá lớn. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn thiếu lãnh đạo vừa có tâm vừa có tầm để tạo một môi trường làm việc tốt. Mọi người thường hô hào cải thiện nhưng thực chất thì sao?

Ngoài ra, việc sản phẩm của mình dù được dày công nghiên cứu nhưng cuối cùng không ứng dụng được trong xã hội cũng khiến chúng tôi chùn bước.

- Chúng tôi không được hỗ trợ đúng mức cả về vật chất lẫn tinh thần. Cụ thể, với bằng tiến sĩ và có thâm niên khá cao, hiện tôi được trả 6 triệu đồng/tháng cho vô số công việc: giảng dạy, quản lý sinh viên, công việc hành chính, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu... Thật khó để đầu tư nghiên cứu, cập nhật kiến thức mới khi công việc nhiều như vậy. Chính vì thế, trong khi giảng viên nước ngoài thường đem những điều mới vào chương trình học thì chúng tôi phải “nhai đi nhai lại” những điều cũ xì. Người học chán nản mà người dạy cũng nào có vui gì!

Và thu nhập từ giảng dạy ở đại học là không tương xứng với công sức chúng tôi bỏ ra. Tôi cũng như GS Ngô Bảo Châu, đều có gia đình và con nhỏ sống chung ở nước ngoài. Nếu chúng tôi về nước, con cái chắc chắn chỉ có một lựa chọn là học trường quốc tế. Và tôi sẽ xoay xở làm sao khi đồng lương quá “còm” như vậy? Khi không thể lo tốt được việc gia đình thì chẳng ai còn hứng thú nghĩ đến việc nghiên cứu khoa học.

Ở ngôi trường bên Anh tôi theo học, các giảng viên thường chỉ lên lớp 1-2 buổi (với thời lượng ba giờ) mỗi tuần. Tuy họ đến trường mỗi ngày, làm việc toàn thời gian, nhưng thời gian trống còn lại chỉ xoay quanh nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, dự hội nghị khoa học... và họ toàn quyền chủ động quỹ thời gian của mình. Điều này giúp họ thỏa sức sáng tạo, vùng vẫy tìm đến cái mới và bài giảng không bao giờ là “gánh nặng”. Về thu nhập, giảng viên được trả 40.000-50.000 bảng/năm với rất nhiều kỳ nghỉ ngoài phép.

 Các trường đại học ở VN vẫn chưa chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Chúng tôi phải qua khá nhiều công đoạn để được xét duyệt kinh phí nghiên cứu khoa học (tối đa 20 triệu đồng) và phải ký cam kết không được thất bại. Khi đề tài không được như mong đợi thì giảng viên phải hoàn trả kinh phí, bị kiểm điểm, phạt nặng. Thử hỏi một giảng viên có mức thu nhập khiêm tốn, không đủ lo cho gia đình thì có đủ can đảm làm nghiên cứu. Bây giờ tôi đã bỏ hẳn việc nghiên cứu cái mới, chỉ còn hỗ trợ SV tìm hiểu cái cũ để phần nào không bị lụt nghề mà thôi.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.