Nhắm mắt tìm trầm

28/08/2010 23:41 GMT+7

* Đổ vào rừng tìm vận may Trầm hương có trong cây dó bầu. Nhưng không phải bất cứ ai trồng dó bầu cũng tạo được trầm. Vậy mà diện tích trồng cây dó bầu cả nước cứ vùn vụt tăng lên. Không công nghệ, không đầu ra, không chứng nhận tiêu chuẩn..., những người trồng dó bầu đang dần nhận ra mình đang nhắm mắt tìm trầm.

Tiếng gọi của trầm

Không ai có thể phủ nhận giá trị kinh tế của trầm hương. Đây là nguyên liệu chính để tạo ra tinh dầu, từ đó có thể điều chế ra các loại dầu thơm, thuốc chữa bệnh… Từ năm 1991 trở về trước, mỗi năm VN xuất khẩu trầm hương đạt kim ngạch khoảng 10-15 triệu USD. Vì có giá trị cao nên nguồn trầm trong tự nhiên đã bị khai thác gần như cạn kiệt, việc xuất khẩu trầm hương khai thác từ tự nhiên bị cấm. Sau đó, phương pháp tạo trầm từ cây dó bầu đã nảy sinh cơ hội làm giàu từ trầm nhân tạo. Theo Hội Trầm hương VN, nhu cầu về tinh dầu trầm hương trên thế giới hiện nay rất lớn. Mỗi năm ngành hương liệu mỹ phẩm trên thế giới cần khoảng 5.000 lít tinh dầu trầm hương loại chất lượng cao nhất trong khi nguồn cung tinh dầu loại này chỉ khoảng 100 lít/năm. Tại Thái Lan, mỗi năm nước này xuất khẩu được 7.000-8.000 lít tinh dầu thông thường với giá khoảng 10.000 USD/lít. Tinh dầu trầm hương loại thường bán tại thị trường VN hiện nay với giá 78 triệu đồng/lít. Giá 1 lít tinh dầu trầm hương loại tốt ở VN khoảng 5.000 USD trong khi giá chào bán tại Canada lên tới 18.000 USD. Vấn đề là tinh dầu trầm hương không có nhiều để xuất.

Nhiều người lâu nay luôn ngộ nhận cây dó là cây trầm hương, trồng cây dó sẽ có trầm. Việc tiên liệu thiếu cơ sở như vậy đã dẫn đến bế tắc của ngành trầm nhân tạo, thậm chí có người đã xây sẵn nhà máy chế biến tinh dầu nhưng cuối cùng không có nguyên liệu. Không chỉ đơn giản là thiếu công nghệ, thị trường trầm hương hiện nay cũng đang dần thu hẹp vì các quy chuẩn khắt khe. Một số thị trường lúc trước vẫn mua tinh dầu của VN thì hiện nay đã yêu cầu VN phải có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, kết quả phân tích thành phần để chứng minh không ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì vậy, các chủ trang trại không nên ồ ạt trồng cây dó bầu khi chưa nắm trong tay công nghệ tạo trầm, đầu ra của trầm và cả cách chăm sóc cây dó bầu khỏi sâu bệnh - (Ông Hoàng Cảnh - Phó chủ tịch Hội Trầm hương VN)

Đối với trầm miếng nhân tạo (được phép xuất khẩu), giá cả trên thị trường quốc tế rất khó xác định, chủ yếu dựa vào thương lượng giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, có thể đưa ra mức giá bình quân hiện nay đối với trầm loại A khoảng 3.000 USD/kg, loại 4A khoảng 2.400 USD/kg, loại 3A khoảng 2.200 USD/kg, loại 1A khoảng 1.500 USD/kg. Theo giới chuyên môn, chính vì chưa có một tiêu chuẩn nào để đánh giá sản phẩm trầm hương nên việc định giá hoàn toàn dựa vào cảm tính. Riêng trầm và tinh dầu từ nguồn sản xuất nhân tạo VN chưa có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chưa có cơ quan nào chứng nhận chất lượng sản phẩm nên hầu như chỉ xuất khẩu bằng đường xách tay, không thể mua bán chính ngạch, giá cả vì thế cũng không cao bằng các nước khác. Có thể nói ngành sản xuất trầm hương ở VN đang ở tình cảnh “3 không”: không công nghệ, không đầu ra ổn định, không chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng… Thế nhưng sức hấp dẫn kỳ lạ của hai từ trầm hương vẫn thu hút nhiều người đổ vào trồng dó bầu, bất chấp khả năng tạo trầm, công nghệ chiết xuất tinh dầu trầm vẫn còn mờ mịt. Theo thống kê của Hội Trầm hương VN, diện tích trồng cây dó bầu đã tăng từ 8.000 ha vào năm 2007 lên đến trên 30.000 ha vào thời điểm hiện tại.  

Vỡ mộng

Theo những người nghiên cứu trầm hương lâu năm, sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: giống cây dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, cây bị thương tích do sâu bọ đục lỗ hoặc do con người gây ra như khoan lỗ, cây bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc các loài ký sinh trên gỗ và đặc biệt là năng lực tạo ra phản ứng miễn dịch của cây dó... Chính vì có nhiều yếu tố tác động, cây dó trong tự nhiên mới hình thành trầm hương. Nhưng không phải cây dó nào cũng cho trầm, kỳ mà hàng trăm, hàng ngàn cây mới có một cây cho trầm mà thôi. Tại VN, những người trồng cây dó đã nghiên cứu rất nhiều phương cách để tạo trầm và có nhiều người đã thành công. Tuy nhiên, đa số những nghiên cứu này chỉ có thể áp dụng ở một vùng nào đó, một vườn cây nào đó, đến khi chuyển giao cho số đông thì tỷ lệ thành công lại rất thấp.

Tại hội thảo về thị trường trầm hương tổ chức ngày 27.8 tại TP.HCM, ông Hoàng Cảnh - Phó chủ tịch Hội Trầm hương VN - nhấn mạnh: “Khâu quyết định của ngành trầm hương nhân tạo là phải tạo được trầm trên cây dó. Không tạo được trầm, xem như tiền mất tật mang”. Và thật sự, nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay với cây dó bầu. Anh P.H.T (Bình Phước) tâm sự: “Tôi trồng dó bầu đã gần 10 năm nay với số lượng lên đến 4.000 cây. Cách đây 2 năm tôi bắt đầu cấy hóa chất để tạo trầm, nhưng rốt cuộc trầm đâu chẳng thấy, doanh nghiệp hứa bao tiêu cũng bỏ chạy. Tôi đành phải bán gỗ được 100 cây với giá 1 triệu đồng/cây, nhưng còn 3.900 cây nữa chẳng biết ai mua”. Một chủ trang trại ở Lâm Đồng than: “Tôi trồng cây dó vài năm nay nhưng đang sắp phá sản vì sâu bệnh. Sâu rất nhiều, liên tục ăn hết lá, tôi xịt thuốc nào cũng không ăn thua”. Cũng tại hội nghị trên, có chủ trang trại đã tuyên bố sẵn sàng cho không cây dó cho ai có nhu cầu, nhưng hầu như không một ai muốn gánh thêm của nợ, vì trồng nhiều mà không tạo được trầm, cũng bằng không.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.