Buổi học đầu tiên diễn ra bình thường đến vô cảm.
Học sinh các lớp đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) lặng lẽ vào chỗ ngồi. Tội nghiệp nhất là các cháu lớp 1, chúng như những con chim non, chập chững, ngơ ngác, khép nép rồi lủi thủi bước vào lớp mà không hề có một tí cờ hoa nào từ nhà trường, cũng không hề có bàn tay vẫy chào nào từ các anh chị lớp trên. Những học sinh này chắc không sao cảm nhận được hình ảnh ngày đầu tiên đi học của mình.
Học sinh cãi nhau. Đứa bảo hôm nay tựu trường, đứa bảo hôm nay khai giảng, đứa bảo không phải tựu trường, cũng không phải khai giảng. Một đứa "lý luận": Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ hè là khai giảng. Đứa khác vặn: Khai giảng sao không làm lễ? Sao không có hồi trống khai trường?
Đứa nào cũng có lý, chỉ người lớn là… vô lý. Vì khi nề nếp dạy và học đã ổn định, những quyển vở học trò bắt đầu cũ, thì ngày 5.9, các trường đồng loạt tổ chức khai giảng năm học mới. Cũng cờ hoa, biểu ngữ, cũng diễn văn, cũng phát biểu rầm trời nhưng cái rạo rực, nôn nao của "nhân vật trung tâm" là học sinh thì không còn mấy.
Việc tổ chức giảng dạy "êm ru" trước 2-3 tuần đã nhanh chóng "bình thường hóa" tâm trạng đợi chờ "ngày hội toàn dân đưa trẻ em đến trường" của học sinh, giáo viên và của cả phụ huynh.
Thời điểm tổ chức lễ hội ảnh hưởng lớn đến tâm trạng người dự. Thật trái khoáy như làm nhà xong, kéo nhau về ở cả tháng, trần nhà bếp đã ám khói, thì chủ nhà mới hứng lên "phát hành" thiệp mời tân gia!
Chủ trương dạy trước mấy tuần để bù vào thời gian chạy lũ, chạy bão, nghỉ lễ và các sự cố bất ngờ khác, khỏi ảnh hưởng đến biên chế thời gian năm học là đúng. Nhưng rất tiếc, lễ khai giảng lại không được tổ chức vào thời điểm trước buổi học đầu tiên để tạo hiệu ứng phấn khích cho học sinh - nhất là lứa học trò nhỏ tuổi - những mầm măng đang tiềm tàng nhiều xúc cảm tươi tắn và trong sáng trước thềm năm học mới.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)