Thị trường viễn thông: Bán tháo dịch vụ 3G?

01/09/2010 11:57 GMT+7

Trong lúc "cuộc chơi" 3G đang trở thành gánh nặng của các nhà mạng ở Trung Quốc, thì động thái giảm mạnh cước 3G mới đây của MobiFone và VinaPhone không chỉ nhằm cân bằng với mức cước của Viettel, mà dư luận còn đặt vấn đề có phải dịch vụ 3G sắp bị bán tháo?

3G đang thành bẫy?

Trước khi “hai anh em nhà VNPT” giảm mạnh cước dữ liệu (data), thì Viettel đang có ưu thế nhất trong dịch vụ này vì có mức cước thấp nhất. Một số gói cước truy cập Internet 3G qua máy tính để bàn của Viettel cước lưu lượng vượt định mức là 50 đồng/1Mb, còn đối với gói truy cập qua laptop là 65 đồng/1Mb. Tình thế này buộc MobiFone và VinaPhone buộc phải giảm theo để cạnh tranh.

Trong đợt giảm cước vừa qua, MobiFone giảm cước lưu lượng dịch vụ Mobile Internet đến 80%, xuống còn 10 đồng/10Kb; dịch vụ Fast Connect giảm cước lưu lượng vượt định mức tới 94%, còn 65 đồng/1Mb (giảm hơn 15 lần so với trước là 1.024 đồng/1Mb). Mạng VinaPhone bên cạnh việc điều chỉnh tăng lưu lượng miễn phí cho gói dịch vụ Mobile Internet M10, M25, M50 lần lượt là 60%, 65% và 67%, cước lưu lượng vượt định mức cũng được giảm từ 33% - 70%. Mạnh tay nhất là dịch vụ Internet Broadband trả sau, giảm tới 87%, xuống còn 65 đồng/1Mb.

Đến nay, các nhà mạng đang “ngấm đòn” đầu tư vào 3G: Đổ vào hàng chục ngàn tỉ đồng, nhưng thu về nhỏ giọt. Tổng số thuê bao dịch vụ 3G theo “khai báo lại” của các nhà mạng chỉ đạt khoảng 8 triệu thuê bao, nhưng trong đó thuê bao sử dụng dịch vụ Internet 3G thường xuyên và không thường xuyên đã chiếm đến 85%. Loanh quanh vài ba dịch vụ 3G phục vụ nhu cầu “ăn chơi nhảy múa” của teen và giới trẻ chứ chưa đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Ông Hồ Hồng Sơn - Tổng GĐ SPT, đơn vị khai thác mạng S - Fone - cho rằng: “Các nhà mạng kinh doanh 3G đang gặp khó khăn vì nguồn thu chưa đủ bù đắp cho khoản đầu tư quá lớn”. Theo ông Sơn, tình thế này đặt các nhà mạng kinh doanh 3G trước hai lựa chọn: Một là đầu tư nhỏ giọt để tránh rủi ro, đồng thời thúc đẩy thu hồi vốn càng sớm càng tốt. Hai là khoanh vùng dừng đầu tư tiếp vào 3G để tránh mắc bẫy và chuẩn bị đầu tư lên 4G.

Theo một báo cáo của Cty Sinolink Security tại Trung Quốc, cả ba mạng di động hàng đầu nước này là China Mobile, China Telecom và China Unicom đều đang lỗ với 3G. Các mạng này chỉ có thể hòa vốn khi thuê bao 3G chiếm từ 15% - 20% tổng thuê bao di động, tương ứng với khoảng thời gian từ 12 - 18 tháng tới. Trước tình thế khó khăn, các nhà mạng 3G VN liên tục khuyến mãi, giảm giá khủng từ dịch vụ đến thiết bị, nhưng người sử dụng dễ dàng nhận ra rằng vùng phủ sóng 3G đang bị khoanh lại. Động thái này được cho là nhà mạng không dám tiếp tục mạo hiểm khi thấy 3G không đạt hiệu quả kinh doanh như mong muốn. 

3G thọ đến đâu?

Ông Trương Đình Anh - Phó Tổng GĐ FPT, đơn vị vừa được phép thử nghiệm 4G trong vòng một năm với hai phương thức là Wimax và LTE - cho biết: “Trên thế giới, tuổi thọ của 3G được dự báo chỉ còn 2 - 3 năm nữa”. Trong lúc 3G ở VN đang loay hoay thu hồi vốn và tránh lỗ thì ở Ấn Độ vừa đấu giá tần số 4G, còn ở Thụy Điển đã khai trương mạng 4G đầu tiên từ cuối năm 2009.

Từ thực tế này một số chuyên gia cho rằng, dịch vụ 3G tại VN sẽ tiếp tục được khuyến mãi, giảm giá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, nói văn hoa thì là để kích cầu, nhưng thực chất là có thể phải bán tháo để nhanh chóng thu hồi vốn khi tuổi thọ 3G đang dần ngắn lại và 4G đang đổ bóng xuống từng ngày.

Tất nhiên mỗi nhà mạng có tính toán riêng. Viettel đang sản xuất thử nghiệm USB 3G tại VN và phấn đấu đạt 2,5 triệu thuê bao D - Com trong thời gian tới. Song ngay cả khi đạt được mục tiêu này thì Viettel cũng sẽ phải mất nhiều năm mới có thể thu hồi nguồn vốn gần 13.000 tỉ đồng đầu tư vào 3G, trừ phi nhà mạng này khoanh vùng dừng đầu tư thì mới mong thu hồi được vốn sớm.

Theo Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.