70% doanh nghiệp XKLĐ hoạt động trung bình và kém hiệu quả

03/09/2010 15:48 GMT+7

(TNO) Hầu hết các nước tiếp nhận lao động Việt Nam không cho phép doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động đặt văn phòng quản lý lao động tại nước họ, vì vậy phần lớn DN đều phải cử cán bộ quản lý lao động sang dưới các danh nghĩa không chính thức nên không đủ địa vị pháp lý khi xử lý các vụ việc phát sinh.

Đây là một trong những bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa ủy quyền Thủ tướng báo cáo với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tại cuộc họp sáng 3.9, tại Hà Nội.

DN khó bảo vệ quyền lợi người đi xuất khẩu lao động

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, chỉ tính từ 2001 đến nay, bình quân mỗi năm chúng ta đã đưa được khoảng trên 60.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm chúng ta đưa được gần 80.000 lao động, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hằng năm, đưa tổng số người lao động lên khoảng 500 nghìn người làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau. “Mỗi năm người lao động gửi về cho các gia đình tổng số tiền khoảng 1,6 - 2 tỉ USD”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết. 

Việc cấp phép cho các hoạt động dịch vụ đưa người đi lao động làm việc ở nước ngoài được Chính phủ khẳng định qua báo cáo là nghiêm ngặt, thường xuyên có thanh, kiểm tra. Trong 3 năm thực thi Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tính đến ngày 30.6.2010, có 4 trong số 171 DN được cấp phép bị thu hồi giấy phép do vi phạm, không đáp ứng được quy định của pháp luật…

Qua thanh, kiểm tra, chính phủ đánh giá “nhìn chung các DN được thanh, kiểm tra cơ bản đã chấp hành các quy định của pháp luật. Các vi phạm của DN chủ yếu tập trung vào việc thực hiện chế độ báo cáo, đăng ký hợp đồng thiếu trách nhiệm, không xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh của người lao động”.

Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho thấy, bất cập trong công tác quản lý lao động ở nước ngoài từ phía Nhà nước không có vấn đề gì lớn, song về phía DN thì đang tồn tại thực tế: Theo luật thì các DN có trách nhiệm cử đại diện để quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài, tại các thị trường DN đưa nhiều lao động đi đều có cán bộ quản lý. Tuy nhiên, việc cử cán bộ quản lý của DN còn gặp nhiều khó khăn. “Hầu hết các nước tiếp nhận lao động Việt Nam không cho phép DN phái cử lao động đặt văn phòng quản lý lao động tại nước họ, vì vậy phần lớn DN đều phải cử cán bộ quản lý lao động sang dưới các danh nghĩa không chính thức nên không đủ địa vị pháp lý để làm việc với các cơ quan hữu quan của nước sở tại khi xử lý các vụ việc phát sinh”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Theo kế hoạch, báo cáo giám sát của Ủy ban TVQH về việc thực thi chính sách đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ được Đoàn giám sát của Ủy ban TVQH thực hiện trên cơ sở thẩm tra báo cáo của Chính phủ, lấy ý kiến qua các phiên thảo luận và sau 6 lần dự thảo mới chính thức trình ra QH tại kỳ họp thứ 8 tới.

 

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua lao động VN làm việc tại nước ngoài chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề thấp (chiếm 50 - 60%) trong khi xu thế hiện nay và thời gian tới của các nước là tiếp nhận lao động có nghề, được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật.

Công khai hóa các thông tin liên quan đến xuất khẩu lao động

Hầu hết số lao động VN đi làm việc tại nước ngoài hằng năm đều thông qua các DN dịch vụ. Trong 3 năm (từ 2007 - 6.2010), các DN đã đăng ký gần 17.600 hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Theo đánh giá của Chính phủ thì hầu hết các hợp đồng đều tuân thủ theo đúng pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 0,1% số hợp đồng đăng ký không đảm bảo về loại hình công việc, về điều kiện làm việc và về thu nhập của người lao động.

Ngoài ra, vẫn còn một số DN dịch vụ chỉ tập trung vào thị trường “dễ làm” nên kết quả lao động còn hạn chế; một số DN tuyển chọn lao động không đúng đối tượng, còn qua các khâu trung gian làm cho người lao động phải chịu chi phí cao, tạo kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng lừa đảo người lao động…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, trong tổng số 167 DN dịch vụ, chỉ có khoảng 30% các DN hoạt động có hiệu quả cao, 50% DN hoạt động hiệu quả trung bình, còn lại là DN hoạt động kém hiệu quả do hạn chế về năng lực hoặc do mới được cấp phép, đang trong giai đoạn đầu tư thăm dò thị trường, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi xin cấp phép hoạt động…

Trong định hướng thực thi chính sách lao động thời gian tới, Chính phủ nhấn mạnh đến nội dung ban hành các quy định và các hình thức công khai hóa thông tin liên quan đến xuất khẩu lao động như DN có giấy phép hoạt động dịch vụ, các loại phí, thu nhập của người lao động khi đi làm việc tại nước ngoài… Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm của các DN theo quy định của pháp luật.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.