Đầu tiên, anh chàng nhân viên ở quầy kiểm tra hộ chiếu tại sân bay Harare vừa thấy tôi bước vào đã lên tiếng “ní hảo” (xin chào - tiếng Hoa). Tôi lắc đầu: “Tôi không phải người Trung Quốc”. Lúc này anh ta mới mở hộ chiếu ra.
“Càng ngày họ đến càng đông...”
Trước đó khi thăm mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, tôi cùng những người bạn mới quen phải đứng chờ thật lâu để được chụp hình, trước đoàn người Trung Quốc rất đông đang cười đùa nơi tấm biển đánh dấu mũi đất đâm vào lòng Đại Tây Dương.
Suốt hành trình ở Nam Phi, tôi đã gặp rất nhiều khu phố Tàu và thường đụng phải những câu chào “ní hảo”. Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới chừng 200.000 người gốc Hoa hoặc công dân Trung Quốc đang sống và làm việc tại Nam Phi. Hèn gì mà ở khu phố nghèo Alexandra bên ngoài Johannesburg, những đứa trẻ đá bóng chân trần đã dừng lại vung chân tay đùa với tôi, miệng thét “kungfu! kungfu!”. Khổ thế, tôi có biết kungfu là gì đâu !?
“Ní hảo” còn hiện lên mỗi lần tôi vào mạng bằng dịch vụ 3G của nhà cung cấp Vodacom. Thiết bị modem để nối mạng là do hãng Huawei sản xuất. Và nó còn đeo đuổi tôi tới tận Harare, thủ đô của Zimbabwe bí ẩn. Sau câu chào của anh nhân viên nhập cảnh, tôi còn gặp vô số những nhầm lẫn đến bực mình trong suốt hành trình ở Harare, và sau đó là trên đường thiên lý từ thủ đô qua miền cực tây, đến thác Victoria hùng vĩ.
Hôm đi trên tuyến xa lộ từ sân bay Harare về trung tâm thành phố, anh tài xế Dan Sitwelo trỏ vào căn cứ quân sự bên đường bảo: “Doanh trại lính đặc công đấy. Anh chớ chụp hình”. Tôi gật gù, nghiêng người sang xem thử lính đặc công của Tổng thống Robert Mugabe như thế nào. Sitwelo nói tiếp: “Quân đội ở đây do Trung Quốc huấn luyện”. Tôi giật mình, chợt nhớ về những thông tin báo chí mà tôi đọc trước khi lên đường tới Zimbabwe rằng vào năm 2008, có người bắt gặp một toán lính Trung Quốc vũ trang đi trên đường phố Mutare, một đô thị quan trọng ở đất nước châu Phi này. Thông tin trên không được giới hữu trách thừa nhận nhưng làm dấy lên một cuộc tranh cãi tóe lửa giữa những người Zimbabwe trong và ngoài nước.
Mới đây, tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Harare cũng đã “nâng cốc chúc mừng cho tình bằng hữu giữa quân đội 2 nước, và chúc sức khỏe Tổng thống Robert Mugabe”. Tôi đọc được tin đó trên trang mạng của Sứ quán Trung Quốc.
Ở trung tâm Harare, vốn ngày một thưa thớt người nước ngoài do cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị kéo dài trong vài năm nay, tôi vẫn bắt gặp những nhà hàng và cửa hiệu của người Hoa. Đầy rẫy! Trong khu Avondale, nơi có quán trọ Small World mà tôi trú chân, cũng có những nhà hàng như Chinese Food, Kings Chinese, Chinese Cuisine, Great Wall... của những người đến từ Trung Quốc.
Sitwelo kể có một số nơi ở Harare, người Trung Quốc dựng lên những khu ký túc xá cho dân của họ. Khi đến những nơi này, một người Shona như anh vốn là dân bản địa cũng cảm thấy lạc lõng. “Càng ngày họ đến càng đông, trong khi người châu u càng ít tới đây”, Sitwelo nói, và kể rằng gia đình mình sử dụng rất nhiều hàng hóa Trung Quốc.
Bước chân Trung Quốc trên Lục địa đen
Tình thế hiện nay là phương Tây mải mê chỉ trích ông Robert Mugabe là độc tài và không hợp tác với ông. Phương Tây và nhiều nước khác nữa nhìn về Zimbabwe cũng như phần lớn các quốc gia châu Phi bằng cặp mắt nghi ngại. Giữa lúc ấy, người Trung Quốc cứ dấn bước tới mọi hang cùng ngõ hẻm ở Lục địa đen. Thế là, trong khi phương Tây chỉ trích ông Mugabe thì ngay giữa lòng Harare xa hoa xen lẫn bần cùng này, những quan chức Trung Quốc đã nâng ly rượu sóng sánh chúc mừng sức khỏe ngài Tổng thống Zimbabwe.
Vậy đấy, người Trung Quốc đã cắm rễ vào Lục địa đen bằng cách ấy. Họ không chỉ có mặt ở Zimbabwe mà còn ở Angola, Sudan, Somalia và nhiều nơi khác nữa. Người Trung Quốc cũng đã cắm rễ tại nhiều nơi mà phương Tây “kỵ”, như Myanmar chẳng hạn. Hồi tới Yangon và Nay Pyi Taw năm 2007, giữa một đất nước bị cấm vận, tôi đã bắt gặp hình ảnh Trung Quốc ngập tràn.
Trong những năm gần đây, giữa “cơn khát” tài nguyên, đặc biệt là đất canh tác ngày càng cạn kiệt, người Trung Quốc đã tràn sang châu Phi mỗi lúc một đông. Nhiều đợt di dân được các ngân hàng hỗ trợ, mà Nhà nước lại đứng sau ngân hàng. Các công ty Trung Quốc cũng ồ ạt tràn tới tất cả những nơi mà phương Tây “chê” và những nước khác e ngại.
Ở Lethoso, Angola, Nam Phi, Mozambique..., người ta không khó khăn để tìm ra một nhà hàng Hoa, thậm chí cả một khu phố Tàu. Người Trung Quốc đến đâu là mang theo văn hóa của họ đến đó. “Ở nhiều nơi, cơ hội việc làm của chúng tôi bị họ cạnh tranh”, Sitwelo nói và tôi cũng từng thấy những lời phàn nàn tương tự trên báo chí, của người Angola, Lethoso, Mozambique.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)