Cần Thơ cần tập trung vào 3 khâu đột phá quan trọng

05/09/2010 20:35 GMT+7

(TNO) Tối 5.9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã có chương trình làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ.

Báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn cho biết trên cơ sở thực hiện 8 tháng, ước năm 2010 TP sẽ đạt và vượt 13/18 chỉ tiêu. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ước đạt 15,04%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng: công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 44,16%, dịch vụ chiếm 45,23%, nông nghiệp và thủy sản  chiếm 10,61%. Ngân sách nhà nước thu đạt 4.560 tỉ đồng. 84.000 lao động được đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Hộ nghèo giảm còn 4,67%. 99,6% hộ dân có điện sử dụng…

Thay mặt lãnh đạo TP, ông Mẫn đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 để làm cơ sở cho các bộ, ngành và địa phương điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch vùng. Ông Mẫn cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai dự án đường gom dọc đường dẫn vào cầu Cần Thơ, chỉ đạo Ban quản lý dự án 2 đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cầu Cái Răng, cầu Đầu Sấu trên Quốc lộ 1A, nạo vét luồng Định An do hiện nay quá cạn tàu 5.000 tấn không thể vào cảng được.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng đề nghị Thủ tướng cho thành phố ứng vốn  hơn 1.220 tỉ đồng để sớm hoàn thành những công trình xây dựng cơ bản trong năm 2010.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng năm 2009 và 8 tháng đầu năm 2010 Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 13%, vượt gần gấp đôi GDP quốc gia. Cả nước hiện có bình quân thu nhập đầu người khoảng 1.165 USD/năm, trong khi Cần Thơ đã đạt 1.950 USD là một thành tích ấn tượng. Hộ nghèo của Cần Thơ chỉ còn chưa đầy 5% là điều rất đáng khen. Nếu so với các tỉnh trong khu vực, cơ sở hạ tầng của Cần Thơ bây giờ đã khá hơn rất nhiều. Cần Thơ phải phát huy hơn nữa lợi thế trung tâm vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, tới đây, Cần Thơ cần tập trung vào 3 khâu đột phá quan trọng. Thứ nhất, thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, y tế, giáo dục, phát triển đô thị), trong đó sớm hình thành chuỗi đô thị bên bờ sông Hậu kéo dài từ quận trung tâm Ninh Kiều lên tận quận Thốt Nốt.

Thứ hai, Cần Thơ không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương mà là cho cả vùng ĐBSCL. Giáo dục bắt đầu từ người thầy, thầy có giỏi thì mới đào tạo được trò giỏi. Bộ GD-ĐT cần phải sớm có câu trả lời là vì sao ĐBSCL (vùng vựa lúa cả nước) lại có các chỉ số giáo dục thấp hơn cả Tây Nguyên. Trường ĐH Cần Thơ tọa lạc tại TP Cần Thơ tới đây phải được đầu  tư  nhiều hơn nữa trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng.

Thứ ba, Cần Thơ phải tích cực đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và phải có những sản phẩm đặc thù, tạo lực hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư và du khách. Nhìn chung, so với 4 thành phố trực thuộc T.Ư còn lại, Cần Thơ còn kém về cơ sở hạ tầng nhất là tốc độ đô thị hóa.

Tới đây, Chính phủ và các bộ ngành sẽ tiếp tục có những cơ chế đặc thù hầu giúp TP động lực miền Tây này phát triển nhanh. Đối với các đề nghị của TP Cần Thơ, Chính phủ và các bộ sẽ xem xét cụ thể để sớm có hướng xử lý

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.