Cần chế tài đối với chủ đầu tư
Việc xử phạt không mạnh sẽ tạo cho các nhà thầu thói quen coi thường pháp luật, do đó Nhà nước cần có biện pháp mạnh hơn. Theo tôi, nếu nhà thầu nào đã bị xử phạt vi phạm thì sau một thời gian nhất định không thi hành nghĩa vụ phải bị đình chỉ thi công và hạn chế cấp phép cho các nhà thầu này trong các dự án tiếp theo. Cần phải có biện pháp chế tài đối với các chủ đầu tư. Nhà thầu thi công cẩu thả, chậm trễ... chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm, có như vậy thì chủ đầu tư sẽ giám sát hoạt động của nhà thầu chặt chẽ hơn.
Phạt cũng như không!
Thật bức xúc khi biết rằng nhiều nhà thầu thi công bị phạt với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, có nhà thầu còn nợ đến hàng trăm biên bản với số tiền hàng trăm triệu đồng mà Nhà nước cũng chịu thua. Theo tôi, việc ra hết biên bản xử phạt này rồi lại biên bản xử phạt khác mà không có biện pháp chế tài kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn thì chỉ làm cho các nhà thầu “lờn thuốc”, “chai mặt” thêm mà thôi. Như vậy, tính nghiêm minh của pháp luật, của cơ quan Nhà nước đã bị coi thường. Không cần phải ra nhiều biên bản, quyết định xử phạt như thế. Nếu nhà thầu vẫn không thực hiện thì rút giấy phép, tịch thu phương tiện, hủy hợp đồng và đình chỉ thi công.
Tại sao chỉ phạt hành chính?
Đọc báo, tôi thấy các nhà thầu rõ ràng đã vi phạm hợp đồng một cách trắng trợn mà chỉ bị xử phạt hành chính như thế thì thật không hiểu được. Thông thường, nếu một bên trong hợp đồng (trong trường hợp này là đơn vị thi công) vi phạm hợp đồng thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Không biết trong hợp đồng thi công được ký giữa nhà đầu tư là Nhà nước với đơn vị thi công có phần ràng buộc trách nhiệm của nhau hay không. Tôi nghĩ là có, chỉ không hiểu sao các nhà thầu đã vi phạm hàng trăm lần như vậy mà vẫn vô tư được trúng thầu? Rất mong được giải đáp.
Đoàn Anh Đào (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Ban CTBĐ
(tổng hợp)
Bình luận (0)