Học phí tăng, chất lượng chưa tăng

06/09/2010 23:06 GMT+7

* Thiếu hụt trầm trọng giảng viên Bài toán về học phí (HP) và chất lượng căng thẳng nhất khi xét đến yếu tố nhân lực. Lực lượng giảng viên bậc ĐH-CĐ chưa đủ mạnh khiến lộ trình HP đi cùng chất lượng không biết bao giờ mới sớm song hành.

64 sinh viên/giảng viên

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội trong chuyến khảo sát đầu năm 2010 tại các trường ĐH, từ năm 1987 đến 2009 số sinh viên (SV) trên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên (GV) chỉ tăng 3 lần, do đó tỷ lệ SV/GV quá cao so với quy định. Bộ GD-ĐT quy định 28 SV/GV nhưng ở nhiều trường, tỷ lệ này lên tới 40, thậm chí có trường đến trên 60.

Trong một lần về thăm trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: "Làm sao để đảm bảo chất lượng đào tạo khi đội ngũ GV quá mỏng so với số lượng SV? Để phát triển đội ngũ GV thì rất khó, nhưng để phát triển số lượng SV thì dễ". Phó thủ tướng còn băn khoăn về tỷ lệ SV/GV của trường, tính trung bình mỗi GV kèm gần 48 SV. Thời điểm đó, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có hơn 52.000 SV các hệ với 1.500 cán bộ viên chức, trong đó GV cơ hữu có 1.085 người. Có 12 GV là  GS, PGS, 110 GV là  TS và nghiên cứu sinh (NCS). Hiện nay trường có trên 80.000 SV theo học các bậc đào tạo với 15 GS, PGS, 110 TS và NCS; 800 thạc sĩ và học viên cao học. Như vậy, sau 3 năm, số SV đã tăng vọt lên 28.000 người nhưng trường chỉ thêm được 3 GV có học hàm GS, PGS, giữ nguyên số lượng GV có trình độ TS và NCS. Trong khi đó, HP của ĐH Công nghiệp TP.HCM đã tăng từ mức trung bình 250.000đ/tháng (năm 2007) lên 400.000đ/tháng (năm 2009), luôn cao hơn mức quy định khoảng 25 - 30%.

Ý kiến:

Cần công khai với SV

* “Tăng HP thì phải xét đến nhiều mặt, và quan trọng là tụi em có điều kiện học tốt hơn hay không. Sắp tới, SV ngành Y Dược phải đóng mức trần học phí cao nhất. Số lượng SV liên tục tăng, tụi em thực tập tại các bệnh viện trong tình trạng quá tải kéo dài mấy năm nay không thay đổi. Nếu tăng HP, nhà trường cũng phải thay đổi một số quyền lợi ưu tiên cho SV”.

Nguyễn Thị Mỹ Loan
(SV năm 3 khoa Y đa khoa, ĐH Y Dược  TP.HCM)

* “Khi tăng HP, cái mà chúng em cần là trường công khai chi phí hợp lý, công bố chiến lược phát triển, nhất là chất lượng giảng dạy. Hiện tại, nhiều khi em và các bạn vẫn chưa hài lòng về GV. Khi GV giảng, rất nhiều SV không hiểu được”.

Nguyễn Thị Oanh
(SV năm thứ 3 khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM)

Nhiều trường ĐH khác cũng trong tình trạng tương tự. Theo báo cáo của trường ĐH Sài Gòn với đoàn kiểm tra của UBTV Quốc hội vào tháng 1.2010, trường có khoảng 22.000 SV với 371 GV. Tuy nhiên, theo báo cáo “Ba công khai” (Điều kiện đào tạo, quy mô đào tạo; Nguồn lực (số lượng, trình độ giáo viên); Tài chính thu - chi) trên website của trường, số lượng GV chỉ có  343 người (chưa kể 141 GV thỉnh giảng), như vậy, tỷ lệ SV/GV là  64/1.

Trường ĐH Trà Vinh trong “Ba công khai” báo cáo có 6 TS, 93 thạc sĩ là GV cơ hữu. Đến khi UBTV Quốc hội kiểm tra, chỉ có 1 TS và 53 thạc sĩ .

Thiếu giảng viên chất lượng cao

Trước thực trạng thiếu hụt đội ngũ GV, các trường ĐH phải liên tục tuyển người. Từ năm 2007 đến nay, trường ĐH Luật TP.HCM luôn thông báo tuyển dụng GV. Gần cuối năm 2009, trường thông báo tuyển đến 45 GV dạy các môn chuyên ngành. Ngoài các ứng viên có học vị TS, thạc sĩ được ưu tiên xét tuyển, các SV của trường chưa được cấp bằng tốt nghiệp, có thể nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để thi tuyển GV.

Những trường có mở các ngành mới càng phải liên tục tuyển GV để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Đơn cử như tháng 6 vừa qua, bộ môn Địa lý kinh tế và Phát triển vùng, khoa Địa lý, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có thông báo tuyển GV.

Thực trạng này còn nghiêm trọng hơn ở các trường ĐH vùng. Các trường như ĐH Tiền Giang, An Giang liên tục đăng tuyển dụng GV của rất nhiều ngành.

Ngay cả trường lớn và có đội ngũ GV trình độ cao như ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng phải thường xuyên tìm thêm GV. PGS-TS Dương Anh Đức, Phó hiệu trưởng trường, cho biết: “Tính theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT về tỷ lệ SV/GV thì trường đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn phải tuyển liên tục để thu hút thêm nhân lực chất lượng cao. Hiện số lượng GV của trường không thiếu nhiều nhưng chất lượng vẫn chưa đạt tầm của một trường có thể cạnh tranh với thế giới”. Ông Đức giải thích thêm về chất lượng đội ngũ GV: “Ở nhiều trường, số lượng GV đã tăng hơn rất nhiều so với 10 năm trước nhưng chất lượng vẫn không tăng đáng kể. Trong khi đó, các GV đầu đàn phần lớn đã nghỉ hưu”.

Theo báo cáo của UBTV Quốc hội đầu năm 2010, chỉ có 50% GV các trường ĐH hiện nay đạt trình độ sau ĐH.

Đăng Nguyên - Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.