Việc Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý đơn của ông Nguyễn Văn Lang (ngụ đường Nguyễn Huy Tự, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM) kiện Sở Giao thông vận tải (GTVT) đòi bồi thường thiệt hại do "lô cốt" thi công cẩu thả, bê trễ mới đây được xem là một vụ kiện chưa từng có tiền lệ. Bởi tại TP.HCM đã có trường hợp người dân kiện nhà thầu Obayashi (Nhật) thi công dự án đại lộ Đông Tây làm lún nứt nhà dân (ở Q.2), song người dân khởi kiện chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước thì đây là vụ kiện đầu tiên.
Tức nước, vỡ bờ
Dư luận hẳn đã quá quen với tình trạng thi công bê trễ, cẩu thả tại dự án Vệ sinh môi trường (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè), mà một trong những gói thầu chây ì nhất là gói số 7 do nhà thầu Trung Quốc TMEC CHEC 3 thi công. Và việc ông Lang khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do việc thi công gói số 7 là một hành động "tức nước, vỡ bờ". Khi nhà thầu TMEC CHEC 3 tiến hành rào chắn "lô cốt" trước nhà ông vào năm 2005, gia đình ông đã vui vẻ hợp tác để phục vụ việc thi công. Thế nhưng, "lô cốt" tưởng chỉ mọc lên vài tháng không ngờ dây dưa hết năm này sang năm khác khiến thiệt hại về kinh tế trở nên quá sức chịu đựng. Trao đổi với Thanh Niên, ông Lang cho biết đã đeo đuổi vụ kiện này ròng rã suốt 4 năm nay. Ban đầu, đối tượng bị kiện là TMEC CHEC 3, nhưng vì nhà thầu Trung Quốc không có trụ sở tại VN nên vụ kiện chuyển hướng sang Ban quản lý dự án Vệ sinh môi trường và Sở GTVT. Theo ông Lang, các đơn vị này đã thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn, quản lý, đốc thúc nhà thầu để xảy ra thiệt hại kéo dài cho người dân.
"Người dân nói chung rất có ý thức vì cái chung, vì cộng đồng. Nếu công trình công cộng phục vụ lợi ích xã hội kéo dài trong thời gian hợp lý và nhà thầu làm việc có trách nhiệm, thì có lẽ chẳng ai nghĩ đến chuyện đi kiện. Tuy nhiên, thật khó chấp nhận chuyện một nhà thầu đã kiếm được lợi nhuận từ công trình lại bất chấp quyền lợi chính đáng khác của những hộ dân sống xung quanh" - ông Lang nói.
Ủng hộ việc người dân sử dụng con đường tòa án đòi quyền lợi hợp pháp cho mình, luật sư Trần Thị Bích Phượng (Trưởng văn phòng luật sư PH&D) - người đã bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân khởi kiện nhà thầu Obayashi - cho rằng, nhà thầu thi công bê trễ thì chủ đầu tư và cơ quan quản lý chuyên ngành liên đới chịu trách nhiệm. Bởi các đơn vị này được coi như "ông chủ", đứng ra thuê nhà thầu thi công dự án, trước khi thuê đều có ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm nhà thầu về tiến độ cũng như chất lượng công trình. Như vậy, việc chủ đầu tư không xử lý khi nhà thầu vi phạm chứng tỏ đơn vị này thiếu trách nhiệm gây hậu quả. Luật sư Phượng khuyên người dân cần chuẩn bị kỹ hồ sơ khởi kiện, trong đó chứng minh được thiệt hại do việc thi công trực tiếp gây ra, như: chứng từ nộp thuế, doanh thu trước và sau khi xuất hiện "lô cốt"... Với các công trình thi công cẩu thả gây lún nứt nhà dân, cần chụp ảnh căn nhà để cho thấy mức độ hư hỏng và chờ trưng cầu giám định của tòa để xác định thiệt hại do nhà thầu gây ra.
Tín hiệu tốt
Đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa cho rằng, việc người dân mạnh dạn khởi kiện để đòi quyền lợi hợp pháp là dấu hiệu đáng mừng trong một xã hội mà cơ quan quản lý nhà nước, nhà thầu hay người dân đều bình đẳng và mọi sự xâm phạm quyền lợi gây tổn hại vật chất hay tinh thần đều phải được đền bù. Có như vậy xã hội mới có thể vận hành tốt, trong đó mỗi người dân dù ở vị trí nào cũng đều ý thức được trách nhiệm của mình để hành động. "Quyền lợi hợp pháp bao giờ cũng phải được tôn trọng, không thể lấy danh nghĩa công trình công cộng để bắt người dân phải chịu thiệt thòi và hy sinh lợi ích của mình quá nhiều. Người dân hoàn toàn hiểu những khó khăn khách quan của ngành giao thông khi thi công các công trình nằm trong khu dân cư. Nhưng trên thực tế, việc dựng "lô cốt" sao cho chắc chắn để không ngã đổ vào người đi đường, hoàn thành đúng tiến độ đề ra, tái lập mặt đường phẳng phiu sau khi thi công... là những việc nằm trong tầm tay của nhà thầu và tầm kiểm soát của chủ đầu tư nhưng lại được thực hiện quá vô trách nhiệm" - ông Khoa nói. Theo ông Khoa, việc người dân lên tiếng đòi quyền lợi hợp pháp, thay vì cứ im lặng nín nhịn như thời gian qua, là một hành động đáng khuyến khích. Bởi một khi nhà thầu và chủ đầu tư ý thức được nguy cơ bị kiện thì chắc chắn họ sẽ có trách nhiệm hơn trong quá trình thi công. Đây được xem như hình thức chế tài mạnh tay với nhà thầu, đồng thời tạo ra sức ép buộc chủ đầu tư phải nghiêm khắc hơn trong việc ngăn chặn những vi phạm của nhà thầu.
Đồng quan điểm trên, luật gia Lê Hiếu Đằng - nguyên Phó chủ tịch MTTQVN TP.HCM - cho rằng, trước nay người dân vẫn phải chấp nhận chuyện thi công các công trình giao thông phải có bụi bặm, kẹt xe, thậm chí tai nạn, điều này tạo nên cách hành xử thiếu tích cực từ phía những đơn vị thi công và quản lý các công trình giao thông. Cơ quan quản lý cũng thường vin vào cái cớ công trình công cộng để đòi hỏi sự thông cảm của người dân. Song, theo ông Đằng, một khi mức độ chây ì của nhà thầu đã trở thành tệ trạng và gần như bất chấp pháp luật như hiện nay thì không thể dùng tình cảm được nữa, mà phải cậy đến sự phân định của pháp luật. Ông Đằng bức xúc: "Nói người dân thông cảm, vậy nhà thầu và chủ đầu tư liệu có thông cảm cho nỗi khổ của người dân không? Suốt 3 - 4 năm nay, toàn TP mọc lên hàng trăm "lô cốt", đùng một cái hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh buôn bán ế ẩm, đi lại khó khăn... kéo dài nhiều năm ròng. Báo chí, dư luận lên tiếng rất nhiều nhưng chưa thấy một chuyển biến tích cực nào. Như vậy có thể thông cảm được hay không?".
Công trình công cộng cũng phải bồi thường “Về nguyên tắc, nhà nước có quyền và nghĩa vụ thực hiện việc cải tạo, xây dựng các công trình công cộng xuất phát từ chức năng quản lý của mình, song bao giờ cũng phải trên nguyên tắc bảo đảm những yêu cầu về vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và cuộc sống người dân. Nếu việc thi công xâm phạm nguyên tắc này gây thiệt hại đến quyền lợi người dân thì người dân có quyền nhờ tòa án bảo vệ. Lẽ ra không cần đến "đáo tụng đình" mà chủ đầu tư hoặc Sở GTVT hoàn toàn có thẩm quyền yêu cầu nhà thầu bồi thường cho người dân. Chẳng hạn, trong vụ kiện của ông Lang, đại diện chủ đầu tư có phát biểu rằng, nếu người dân khởi kiện thì việc bồi thường sẽ được thực hiện theo phán quyết của tòa, sau đó chủ đầu tư sẽ dùng các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng để yêu cầu nhà thầu bồi thường cho người dân. Như vậy, tại sao ngay từ đầu, chủ đầu tư không dùng những điều khoản này để bảo vệ người dân?”. Luật sư Hoàng Xuân Sơn Kiện chủ đầu tư là đúng đối tượng “Ngay từ 4 năm trước, khi ông Lang khởi kiện nhà thầu TMEC CHEC 3, tôi đã có ý kiến rằng người dân nên khởi kiện chủ đầu tư và Sở GTVT - là những đơn vị được giao trách nhiệm đứng ra thực hiện công trình giao thông. Người dân không cần biết nhà thầu nào thi công công trình, mà cứ xảy ra thiệt hại là có quyền "nắm áo" chủ đầu tư đòi bồi thường. Mặt khác, cần phải xác định trước trong trường hợp chủ đầu tư (là đơn vị nhà nước) thua kiện, thì số tiền bồi thường cho người dân tuyệt đối không được lấy từ ngân sách...”. Luật sư Huỳnh Ngọc Hoàng |
Phương Thanh
Bình luận (0)