Lý tưởng của “hiệp sĩ” là bênh vực kẻ yếu, trọng nghĩa khinh tài, dũng cảm, dám xả thân để bảo vệ cuộc sống của dân lành mà không gợn chút cầu mong. Theo nghĩa đó, anh Chinh có phẩm chất của người chiến sĩ quên thân, vì dân phục vụ. Chỉ khác một điều, anh là chiến sĩ “không biên chế” mà thôi. Xét cho cùng, dù là chiến sĩ hay “hiệp sĩ” thì đối tượng để dấn thân, để “sống chết” vẫn là nhân dân. Khi hy sinh, người chiến sĩ được vinh danh là liệt sĩ. Nhưng trường hợp hy sinh của anh Nguyễn Xuân Chinh thì vẫn đang được các cơ quan thẩm quyền “xem xét”, bởi anh và CLB “Hiệp sĩ đường phố” của anh chỉ là một tổ chức tự phát, chưa được chính quyền công nhận nên không đưa vào cơ chế hưởng chính sách thương binh, liệt sĩ.
Về lý, chuyện không công nhận liệt sĩ cho anh Chinh là không sai. Nhưng về tình thì có gì đó… chưa thuyết phục. Việc anh Chinh bất chấp hiểm nguy, một mình đuổi bắt tên bất lương chuẩn bị gây án, dẫn đến cái chết đau lòng được xuất phát từ trái tim giàu nhân ái. Đó là cái tình. Nếu lấy cái tình lớn lao ấy đặt dưới lăng kính thẳng băng của cái lý thì có vẻ “so đo” quá không, đặc biệt là trước nỗi mất mát khó nguôi ngoai của thân nhân người quá cố?
Đọc những bài báo viết về cái chết của anh Nguyễn Xuân Chinh, ta không khỏi cảm khái, kính phục và thương anh vô cùng. Không tấc sắt trong tay, “giữa đường gặp chuyện bất bình”, anh đã hành động mà không hề suy tính đắn đo. Cứ nghĩ, nếu anh Chinh không kịp thời ngăn cản tên côn đồ lăm lăm mã tấu, rất có thể máu sẽ đổ đâu đó trong thị xã, một hoặc nhiều người lương thiện sẽ gục ngã một cách oan ức, gieo biết mấy tang thương cho những người ở lại!
Công bằng mà nói, việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội là nhiệm vụ chủ yếu của ngành công an. Họ được huấn luyện bài bản từ trường nghiệp vụ, được trang bị đầy đủ công cụ trấn áp tội phạm, khi làm nhiệm vụ họ có chỉ huy, có tổ chức, có đồng đội, có phương án hiệp đồng tác chiến… Vậy mà những mất mát, hy sinh vẫn xảy ra. Và sự hy sinh đó đương nhiên được đất nước vinh danh, được công nhận là liệt sĩ. Còn những “hiệp sĩ đường phố” của chúng ta chỉ được “huấn luyện” từ truyền thống nhân văn cao cả “Thương người như thể thương thân”, từ sự tự nguyện chân thành không một chút so đo tính toán. Vì bình yên cho cuộc sống nhân dân, họ đã đổ máu. Mất mát nào cũng xót xa. Hy sinh nào cũng có nhiều ý nghĩa, bất luận là của chiến sĩ hay “hiệp sĩ”.
Thiết tưởng, nếu anh Nguyễn Xuân Chinh được Nhà nước công nhận là liệt sĩ (hoặc một hình thức trang trọng nào khác để vinh danh) thì chắc chắn sẽ không ai phản đối. Điều đó sẽ tiếp lửa cho những “hiệp sĩ - Lục Vân Tiên đường phố”. Đội quân này sẽ phối hợp tốt với lực lượng công an hoạt động hiệu quả hơn trong khi trên đường phố còn tiềm ẩn những hiểm họa côn đồ máu lạnh.
Trần Cao Duyên
Bình luận (0)