Cử nhân về quê... leo đồi

08/09/2010 16:27 GMT+7

Khi có người hỏi sao tốt nghiệp ĐH mà phải về quê leo đồi, Hoàng bảo: “Sinh ra ở rừng, khi lớn lên càng phải gắn bó với rừng, đó là tâm nguyện từ nhỏ của tôi”.

Tự nghiên cứu thổ nhưỡng, điều kiện sinh trưởng của các loại gỗ quý rồi mạnh dạn nhận hàng trăm héc-ta đồi trọc, đồi hoang để trồng cây, chàng trai trẻ Lê Nguyên Hoàng (ở thôn Đồng Cao, xã Tiến Xuân, Thạch Thất, Hà Nội) đã biến những đồi trọc của xã thành “rừng vàng”. Anh cũng là người tiên phong áp dụng thành công mô hình trang trại sinh thái với nhiều loại gỗ quý hiếm có giá trị nhiều tỉ đồng.

Sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi, Hoàng vẫn tự đặt ra cho mình câu hỏi: “Vì sao những cánh rừng ngày càng trở nên kiệt quệ? Và phải làm gì để trả lại màu xanh cho rừng?”. Ý nghĩ đó luôn thôi thúc anh từ khi còn là cậu học sinh THPT. “Trước kia, xã Tiến Xuân và một số xã lân cận nhiều rừng lắm, từ đầu thôn đến cuối xã bạt ngàn màu xanh của rừng. Nhưng khi đó chưa ai quản lý, người dân cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của rừng nên tàn phá. Ngoảnh lại thì những cánh rừng xanh đã biến thành những đồi đá trơ trọi...”, Hoàng tâm sự. 

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đến nay anh đã góp phần phủ xanh 103 ha đất rừng với nhiều loại cây gỗ quý như: sao đen, kim giao, dổi, trầm hương... Trong số đó có trên 30 -40 ha rừng keo, quế, bạch đàn đã bắt đầu cho thu hoạch, mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Hoàng dẫn chúng tôi leo những con dốc lên thăm khu trang trại của anh. Tại đây còn có 2 ngôi biệt thự và 2 hồ rộng khoảng 2.000 m2 nằm giữa núi, chẳng khác gì một “khu du lịch sinh thái”. Anh cho biết 2 hồ này được đào, đắp từ năm 2007 nhằm tích trữ nước nuôi cá, dự kiến làm hồ sinh thái và phục vụ nước tưới cho hàng chục héc-ta lúa của bà con trong xã. 

Để làm được khu trang trại sinh thái này, ngoài kiến thức tích lũy ở trường ĐH Nông nghiệp, còn phải kể đến chuyến đi Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm của Hoàng.  

Phạm Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.